Tài khoản ngân hàng chưa đến 1 triệu đồng vẫn trúng đấu giá đất Thủ Thiêm Vốn cho bất động sản không phụ thuộc mãi vào ngân hàng

2,33 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay BĐS

Tại Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, tổ chức vào chiều 14/7 tại Hà Nội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, trong đó lĩnh vực BĐS.

Ngân hàng tích cực hỗ trợ tín dụng cho thị trường BĐS, đi đôi với kiểm soát rủi ro - Ảnh 1.
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, trong đó có tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát - Ảnhh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, ngành ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp kiểm soát soát rủi ro đối với tín dụng BĐS, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả của người dân.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng tham gia thị trường BĐS với vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia, trực tiếp mua trái phiếu của DN kinh doanh BĐS, bảo lãnh cho các chủ thể trên thị trường và trong một số trường hợp có thể trực tiếp mua, nắm giữ BĐS.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, đến thời điểm 31/5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỉ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.

Dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỉ trọng 66,3%. Dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS hơn 786.000 tỷ đồng, tăng 8,4% và chiếm tỉ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Ngoài thực hiện cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS từ nguồn vốn huy động của người gửi tiền, hệ thống các tổ chức tín dụng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các quy định đặc thù về đối tượng, điều kiện vay vốn, lãi suất.

Đối với chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP từ năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, chương trình đã hoàn thành việc giải ngân vào cuối năm 2016 với doanh số là 29.679 tỷ đồng tạo điều kiện cho hơn 53.000 đối tượng gặp khó khăn có điều kiện tiếp cận về nhà ở.

Lãnh đạo NHNN cho hay, hiện nay, chương trình đang ở giai đoạn thu nợ, nợ tái cấp vốn được thu đầy đủ, đúng hạn. Đến ngày 30/6, chương trình đã thu nợ lũy kế là 22.486 tỷ đồng; dư nợ cho vay còn lại là 7.189 tỷ đồng, nợ xấu 1,72%.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, hiện nay, ngân sách bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 là 2.163,22 tỷ đồng và năm 2021, ngân sách bố trí thêm 1.000 tỷ đồng.

Đồng thời, tại Nghị quyết 11/NQ-CP, NHCSXH được bố trí thêm 15.000 tỷ đồng để cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Đến ngày 31/5, NHCSXH đã giải ngân được 8.223 tỷ đồng và dư nợ là 7.036 tỷ đồng.

Các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách, đến ngày 31/5, dư nợ cho vay tại NHCSXH của các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách là 3.131 tỷ đồng với hơn 129.000 khách hàng còn dư nợ.

Kiểm soát chặt rủi ro, bảo đảm phát triển bền vững

Người đứng đầu ngành ngân hàng phân tích: Nhu cầu tín dụng BĐS thường là trung và dài hạn, hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10-25 năm. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường, khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn.

Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân. Bởi vậy, với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để tổ chức tín dụng thực hiện cho vay, mua trái phiếu, bảo lãnh.

Cùng với đó, NHNN cũng ban hành các quy định về tỉ lệ an toàn, các giới hạn tín dụng để bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng, tăng cường thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Ngành ngân hàng tiếp tục tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước...

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương. NHNN đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực BĐS theo hướng phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả.

Đồng thời, rà soát, xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá; công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ.

Cùng với đó, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu DN, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao sự minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Cần đa dạng hoá, hướng nguồn vốn vào đúng địa chỉ

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN nêu quan điểm: Thị trường BĐS cũng không nên chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, mà cần nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như từ thị trường chứng khoán, vốn FDI... phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của DN, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng...

Có cùng quan điểm, TS. Trần Đinh Thiên cho rằng, nên hình thành quỹ bảo lãnh cho vay.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng, để không làm ngắt mạch nguồn lưu thông vốn như là mạch máu của nền kinh tế, phải đánh giá được mức độ ưu tiên, trạng thái lành mạnh của các mảng, tuyến, phân khúc BĐS, bởi không phải cái nào cũng có tính đầu cơ như nhau, từ đó có cách ứng xử phù hợp.

Cần làm rõ dự án nào, tập đoàn nào có lý lịch tốt, có triển vọng tốt trong tương lai để có sự tiếp cận của ngân hàng, Chính phủ hỗ trợ bảo đảm cho nguồn cung thị trường tốt.

Vị chuyên gia này cho rằng, kinh tế thế giới đang bất ổn, lạm phát tiếp tục tăng cao tác động đến giá cả, xu hướng bất ổn, rủi ro cũng tăng lên. Khi đó điều kiện, tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, tiêu chuẩn xét duyệt, hỗ trợ của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… phải căn cứ vào những đánh giá này để không vì những rủi ro, xu hướng lạm phát mà quên việc hỗ trợ cho DN, bơm vốn cho DN để thúc đẩy quá trình phục hồi.

Với thị trường trái phiếu DN, không nên có cách tiếp cận quá chặt, cần phải có sự phân biệt dự án, tập đoàn, DN về mặt lý lịch để quyền tiếp cận cho vay phù hợp.

"Về mặt tín dụng, điều quan trọng hiện nay là lãi suất, tiêu chuẩn, phối hợp chính sách tài khoá tiền tệ phải đủ 'mềm mại' để không loại những DN bị 'yếu mà không kém', để họ không mất cơ hội phục hồi", ông Trần Đình Thiên khuyến nghị.

Theo Huy Thắng/chinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/ngan-hang-tich-cuc-ho-tro-tin-dung-cho-thi-truong-bds-di-doi-voi-kiem-soat-rui-ro-102220714191514823.htm