Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu với hành trình gìn giữ nghề tò he truyền thống
Người nghệ nhân làm 2023 bức tượng mèo đón Xuân Quý Mão Tôn vinh những “báu vật sống” về di sản văn hóa |
Chúng tôi có duyên được gặp nghệ nhân Đặng Văn Hậu tại Festival nông sản, sản phẩm OCOP năm 2022 tại huyện Mê Linh. Phong cách giản dị và cách nói chuyện thân thiện, gần gũi khiến tôi có ấn tượng sâu sắc về anh. Hóm hỉnh, vui vẻ trong giao tiếp bao nhiêu thì khi làm việc anh lại tập trung bấy nhiêu. Những cục bột đơn sắc qua bàn tay khéo léo của anh đã “lột xác” thành những sản phẩm sinh động, có hồn, mang trong mình những câu chuyện văn hóa riêng.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ, niềm đam mê tò he đã giúp anh gắn bó với nghề tới thời điểm hiện tại. Đặng Văn Hậu sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề nặn tò he truyền thống ở Xuân La. Bởi vậy, anh được tiếp xúc với những con giống bột ngay từ tuổi thơ ấu. Có lẽ, chính từ những lần theo chân ông ngoại đi trảy hội, thường xuyên được nhìn ông nặn tò he và được tiếp xúc với những cục bột với đủ sắc màu đã nhen nhóm tình yêu với nghề trong cậu bé Hậu khi đó.
Chân dung nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu. |
Chia sẻ về cái tên tò he, anh Hậu cho biết, thực ra trước đây nó không phải là tên tò he mà gọi là bánh chim cò, con giống bột. Con giống bột gồm có ba loại là con giống của Đồng Xuân, của Phố Khách và của Phú Xuyên. Tuy nhiên vào đầu năm 90 con giống bột của Đồng Xuân và Phố Khách gần như đã thất truyền, con giống Phú Xuyên thì chỉ thịnh hành nặn các nhân vật trong phim và được gắn vào que tre.
Không biết do nhầm lẫn nào đó mà một bài báo viết về nghề này vào năm 1994 đã gọi con giống bột của Phú Xuyên thành “tò he”, trong khi “tò he” vốn là tên gọi của những con giống bằng gốm cũng thổi được và là sản phẩm của làng gốm Thanh Hà, Hội An. Cũng kể từ đó cho đến nay, đa số mọi người vẫn gọi con giống bột là tò he.
Với mong muốn tiếp nối truyền thống, gìn giữ hồn cốt của làng nghề, từ nhiều năm trước, anh Hậu đã quyết định mở lớp dạy nặn tò he miễn phí cho các em nhỏ tại nhà. Theo anh Hậu, việc dạy các em làm tò he không chỉ lưu giữ nghề mà còn tạo công ăn, việc làm cho các em ngoài thời gian đi học. Trong quá trình học nghề, nhiều em đã có mức thu nhập từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/tháng. Để học trò có hiểu biết đầy đủ về nghề, anh không chỉ dạy học trò cách cầm bột, tạo hình khối nhân vật mà còn kể cho các em những bài học sâu sắc ẩn chứa trong từng con giống bột.
Bên cạnh đó, để du khách biết nhiều hơn tới tò he Việt, Đặng Văn Hậu đã tích cực tham gia biểu diễn nặn tò he tại các khu du lịch; hội chợ thủ công; Talk show… tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, sản phẩm tò he của anh Hậu đều nhận được sự chú ý và đánh giá cao của khách hàng.
Những mẫu tò he với đủ hình dáng bắt mắt được làm bởi đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu. |
Theo anh Hậu, nặn tò he không khó, quan trọng là tình yêu, tính kiên trì và sự sáng tạo của người làm. Thành công của người nghệ sĩ là phải thổi hồn, tạo “thần thái” cho các nhân vật của mình. Cùng đó, việc sáng tạo đa dạng các mẫu mã cũng sẽ giúp tạo ấn tượng với khách hàng. Chính vì sự sáng tạo không ngừng của anh trong suốt quá trình làm nghề đã đưa những con giống bột đến gần hơn tới các đối tượng người chơi bao gồm cả trẻ em và người lớn.
Dù tuổi còn trẻ, thế nhưng Đặng Văn Hậu đã khẳng định được tên tuổi trong nghề khi may mắn khôi phục được nhiều mẫu con giống bột cổ xưa vào năm 2017. Theo đó, các con giống bột được Đặng Văn Hậu khôi phục dựa trên tiềm thức còn sót lại của nghệ sĩ Trịnh Bách cùng kỹ thuật điêu luyện của nghệ nhân tò he Đồng Xuân, Phạm Nguyệt Ánh.
Con giống bột là đồ chơi truyền thống của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam nhưng đã bị thất truyền từ lâu. Ở làng nghề tò he Xuân La ngày nay, nhiều người cũng không biết đến. Do đó, sự xuất hiện trở lại của những con giống mang phong cách Phú Xuyên (thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội), Đồng Xuân (Hà Nội), Phố Khách (của người Hoa)... đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Đến nay, toàn bộ hình ảnh con giống bột như: Nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá vàng, bộ lục súc và con giống ở Huế... đã được anh Hậu phục hồi lại gần như đầy đủ.
Bên cạnh đó, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng không ngừng tìm tòi các nguyên liệu, mẫu mã mới, cho tới giờ anh đã sáng tạo ra được những con tò he bền hơn và có thể giữ được trong nhiều năm. Để ngày một phát huy hơn nữa làng nghề truyền thống, theo nghệ nhân Đặng Văn Hậu, cùng với việc thường xuyên cập nhật thị hiếu của mọi người để sáng tạo ra những sản phẩm mới, anh sẽ vạch ra những kế hoạch riêng cho mình trong việc phát triển nghề và từng bước cố gắng để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Mặc dù còn rất trẻ, thế nhưng chàng trai trẻ Đặng Văn Hậu đã có trên 20 năm gắn bó với nghề nặn tò he truyền thống. Anh thường nặn và bán tác phẩm tò he tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) hay các hội chợ trên địa bàn thành phố. Năm 2014, anh Đặng Văn Hậu vinh dự được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. |
Bình luận