Tiền điện tăng, đời sống công nhân thêm khó khăn TPHCM: Công nhân sốt ruột chờ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính chủ động xây dựng và ban hành hàng loạt các chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể kể đến Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 (hiệu lực từ ngày 01/02/2022) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 28/5/2022).

Riêng đối với chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 năm 2022, do cần phải đánh giá cụ thể kết quả triển khai trong 2 năm 2020 và 2021, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ để quyết định phương án phù hợp.

Người dân, doanh nghiệp đã được hỗ trợ gần 46 nghìn tỷ đồng thuế, phí trong 6 tháng đầu năm
Người dân, doanh nghiệp đã được hỗ trợ gần 46 nghìn tỷ đồng thuế, phí trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, Bộ Tài chính còn ban hành nhiều thông tư về giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm từ 50 - 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước…

Đáng chú ý, chính sách được người dân quan tâm gần đây là Bộ điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờ xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022. Trước đề xuất của Chính phủ, ngày 6/7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cuộc họp bất thường và thông qua Nghị quyết về mức bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Cùng với phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN), Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền các chính sách như Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 về chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục; phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp thẩm quyền ban hành Danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình; phương án điều hòa vốn chương trình và vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí đã được miễn, giảm, gia hạn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chính sách ban hành từ năm 2021 về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021.

Như vậy, tổng số tiền thực hiện miễn, giảm, gia hạn trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng. Những hỗ trợ kịp thời này góp phần quan trọng đưa nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Bảo Thoa