Người tô điểm vẻ đẹp đất nước qua những chiếc đèn giấy
Nét đẹp kỳ lạ nơi động Ngườm Ngao Giữ nét đẹp Tết Trung thu |
5 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản về chuyên ngành thiết kế, nhà thiết kế trẻ Nguyễn Duy Linh (trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã yêu thích, đam mê nghệ thuật cắt giấy truyền thống nổi tiếng Kirigami.
Bằng những kiến thức anh tự học và đọc sách của những bậc thầy về nghệ thuật Kirigami tại Nhật Bản, Linh đã tìm cho mình một phong cách sáng tạo riêng làm ra những chiếc đèn giấy (đèn tranh ánh sáng), trong đó quyện hòa hai yếu tố: Ánh sáng và nghệ thuật.
Linh sử dụng nghệ thuật cắt giấy Kirigami để hoàn thành tác phẩm còn nội dung thể hiện là câu chuyện về văn hóa, cuộc sống của người Việt Nam.
Bằng những kiến thức đã học về chuyên ngành thiết kế, Nguyễn Duy Linh (áo trắng) đã tìm cho mình một phong cách sáng tạo riêng làm ra những chiếc đèn giấy. (Ảnh: D.L) |
Để làm một chiếc đèn giấy Linh phải mất rất nhiều công sức, từ việc thiết kế, cắt giấy, làm hộp cho đến ghép các lớp với nhau tạo ra chiều sâu không gian. Mỗi đề tài, mỗi họa tiết đều được anh tính toán rất kỹ.
Trong tác phẩm của Linh, mỗi lớp giấy là một mảnh kỉ niệm, khi được kết hợp với nhau tạo một bức tranh có chiều sâu, kết hợp với ánh sáng tạo nên những câu chuyện thú vị. Để mỗi khi bật lên cảm xúc lại ùa về, đó có thể là sự tích Hồ Gươm với các danh lam thắng cảnh, ngõ phố cổ với gánh hàng rong hay Hà Nội xưa với tà áo dài trên chiếc xe đạp.
Bắt đầu làm đèn giấy từ năm 2017, đến nay Nguyễn Duy Linh có khoảng 200 mẫu độc quyền. Dự định trong thời gian tới, Linh sẽ mở một triển lãm đèn giấy để có thể tập hợp tất cả những sản phẩm của mình trưng bày và giao lưu với những người cùng đam mê sở thích này.
Hình ảnh Hà Nội lung linh trên những chiếc đèn giấy được làm theo phong cách, nghệ thuật cắt giấy truyền thống Kirigami của Nguyễn Duy Linh (Ảnh: D.L) |
Dù học hỏi nghệ thuật cắt giấy Kirigami của người Nhật nhưng những tác phẩm của Linh rất Việt Nam. Khách hàng của Linh đa dạng lứa tuổi, nghề nghiệp. Đặc biệt, đối với khách du lịch, các tác phẩm của Linh luôn khiến họ trầm trồ. Linh cho rằng, bất cứ người nghệ sĩ Việt Nam nào cũng đều mong muốn có thể đưa các giá trị văn hóa của dân tộc thổi hồn vào trong tác phẩm của mình. Đây là một cách để quảng bá về hình ảnh Việt Nam cho bạn bè quốc tế.
Chia sẻ về những tác phẩm đèn giấy mà bản thân đã dành trọn tâm huyết để hoàn thiện, Nguyễn Duy Linh cho biết: Không chỉ là một ngọn đèn, đèn giấy giống như một tác phẩm nghệ thuật, một câu chuyện của ai đó. Cầm trên tay chiếc đèn giấy, bạn sẽ thấy từng tầng từng lớp tạo hiệu ứng ánh sáng và bóng tối. Các lớp giấy cắt bao phủ lên nhau, mỗi lớp có một hình bóng độc đáo chứa đựng những câu chuyện hay có ý nghĩa triết lý nhân sinh quan sâu sắc.
Các tác phẩm đèn giấy của Linh đã nhận được sự đánh giá cao của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Năm 2018, Linh sáng tạo bộ sưu tập đèn giấy với chủ đề “Bức tranh Hà Nội”, đây là 1 trong 5 sản phẩm làm quà tặng cho các nhà báo quốc tế tham gia Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam. Trong từng mẫu đèn là những hình ảnh về một Hà Nội xưa thanh bình và cổ kính với những câu chuyện như: Đám cưới chuột Thiếu nữ thôn quê trong tranh Đông Hồ hay chủ đề phố cổ; làng quê Hà Nội với hình ảnh trẻ em thả diều, chăn trâu…
Sản phẩm “Việt Nam quê hương tôi” của Duy Linh đạt giải Nhất cuộc thi “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022” (Ảnh: D.L) |
Chia sẻ về nét độc đáo trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Duy Linh cho hay: “Những người khách du lịch họ luôn muốn mua một món quà mà ở đó thể hiện được văn hóa của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo đó, mình muốn tạo ra những sản phẩm quà tặng độc đáo, truyền tải câu chuyện ý nghĩa cho khách hàng. Sản phẩm quà tặng cần phải đa dạng, tiện dụng, dễ đóng gói, mang tính kết nối. Trong thời đại 4.0 sản phẩm có thể khắc thêm QR Code để giúp khách hàng tìm hiểu thông tin trên web hay video”.
Bình luận