Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm: Chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Công nghệ số nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm Tăng cường quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để nông sản Việt nhập vào châu Âu |
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 17 của Chính phủ về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm (ATTP), đến nay cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại 62/63 tỉnh, thành phố từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Trước hiệu quả đạt được của mô hình thí điểm, nhiều tỉnh, thành đã và đang thực hiện việc duy trì và nhân rộng mô hình bằng nguồn ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, thực tế từ quá trình thí điểm tiến tới nhân rộng mô hình chợ ATTP còn đặt ra những vấn đề khác nhau như tính quy mô, nguồn nhân lực, hạn mức đầu tư… Muốn phát huy hiệu quả mô hình chợ ATTP trên phạm vi toàn quốc cần giải quyết một số điểm nghẽn nhât định.
Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn chia sẻ những khó khăn trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình chợ ATTP tại địa phương. |
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp nhân rộng mô hình chợ ATTP” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 20/10, ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, do địa hình và giao thông còn khó khăn, dân số phân tán nên hoạt động của chợ miền núi có đặc trưng riêng, khác hẳn với các vùng, miền khác. Chính vì điều này, thời gian qua Bắc Kạn gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình chợ ATTP.
“Để xây dựng được chợ ATTP đã khó, muốn nhân rộng thêm lại càng khó hơn. Do tập quán tiêu dùng của người dân trên địa bàn là dễ chấp nhận, không quan tâm nhiều đến ATTP nên để thay đổi nhận thức của người dân là một trong những vấn đề khó nhất. Ngoài ra, kinh phí để thực hiện chương trình này cũng còn rất khó khăn và thiếu sự ủng hộ nhiệt tình từ các tiểu thương cũng như các ban quản lý chợ”, ông Sáng nêu.
Nhìn vào tiến trình phát triển tổng thể cũng như đánh giá tiềm năng nhân rộng mô hình chợ ATTP, ông Hoàng Minh Luân, Phó Tổng Giám đốc HTX Hải An, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội phát triển chợ Việt Nam cho biết, vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN chủ yếu dành hỗ trợ đầu tư chợ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, những vùng sâu, xa không có lợi về giao thông đi lại. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng một số chợ theo tiêu chuẩn mới, phục vụ cho các hộ tiểu thương tại các vùng, miền còn gặp nhiều khó khăn.
“Nhìn chung, những chính sách xây dựng mô hình chợ ATTP hiện nay chủ yếu là do các tỉnh, thành phố phê duyệt tùy theo tình hình thực tế tại địa phương và chưa có sự thống nhất chung. Khi chưa nhìn thấy chính sách thống nhất sẽ chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, phát triển chợ”, ông Luân nêu thực tế.
Ông Hoàng Minh Luân, Phó Tổng Giám đốc HTX Hải An, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội phát triển chợ Việt Nam chỉ ra sự thiếu hấp dẫn trong việc thu hút nguồn đầu tư phát triển chợ ATTP. |
Chia sẻ với những khó khăn từ các địa phương, DN trong việc đầu tư nhân rộng mô hình chợ ATTP, song bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thẳng thắn nhìn nhận, khi mãi lực ở chợ vẫn còn chưa được hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là các chợ ở khu vực nông thôn với lượng mua sắm vẫn chưa đông, vì thế để nhân rộng mô hình chợ ATTP trên phạm vi toàn quốc rất cần những cơ chế, chính sách phù hợp.
Cụ thể, có thể liên kết tổng lực của toàn xã hội từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương với nhau và với đặc biệt là khối DN, HTX tham gia vào quá trình xã hội hóa công tác ATTP tại chợ truyền thống.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu những định hướng cho phát triển chợ ATTP trong thời gian tới. |
Đặc biệt là hiện nay Nhà nước, Chính phủ đang rất quan tâm đầu tư cho hạ tầng của các chợ truyền thống, đặc biệt là những vùng khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia đồng bào dân tộc phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa mới được ban hành, trong đó có nội dung rất lớn về đầu tư hạ tầng chợ tại các vùng đồng bào dân tộc.
“Có khoảng 40 địa phương sẽ được nhận nguồn ngân sách từ Trung ương cho việc đầu tư hạ tầng chợ. Hy vọng rằng thời gian tới các chợ ở vùng đồng bào dân tộc cũng sẽ được sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này”, bà Nga cho biết.
Cũng theo bà Nga, trong Chiến lược phát triển thương mại quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã nêu rất rõ quan điểm cũng như các nhiệm vụ, giải pháp định hướng trong việc là tiếp tục phát triển các chợ truyền thống, cân bằng với việc phát triển các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại. Chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2030 có 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa đi qua các kênh hiện đại, còn đến 58% vẫn đi qua các chợ truyền thống./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Bình luận