Đưa Việt Nam thành trung tâm chế biến nông sản top 10 thế giới Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho nông sản xuất khẩu

Năm 2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực sau 10 năm đàm phán. Trải qua gần 2 năm thực thi, trong đó có đến hơn 1 năm Việt Nam, EU và cả thế giới phải hứng chịu những tác động rất lớn đến từ đại dịch Covid-19, song Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã cho thấy vai trò to lớn trong việc hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, góp phần đưa GDP ở mức dương 2,58%. Năm vừa qua, xuất khẩu của nước ta sang EU vẫn đạt hơn 40 tỷ USD và nhập khẩu 16,89 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 14,1% và 15,3% so với năm 2020.

Cũng do lợi ích của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, giờ đây người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm trà và cà phê Việt Nam, cùng hàng loạt các mặt hàng đa dạng khác như hạt, gia vị và hoa quả nhiệt đới… Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam như: gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ thị trường EU thông qua Hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập khẩu vào EU với thuế suất là 0%…

Dam bao chat luong ve sinh an toan thuc pham de nong san viet nhap vao chau Au hinh anh 1
Hàng nông sản Việt Nam phong phú, nhiều chủng loại

Mặc dù vậy, theo ông Vũ Tuấn Thanh, Chủ tịch Công ty Cổ phần tập đoàn Việt - Âu Châu, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được thông tin của đối tác phía Châu Âu để xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này.

“Tập đoàn đang có lợi thế về việc sản xuất nông sản, có đủ tiêu chuẩn nhưng đối tác tìm được ở thị trường EU lại đang gặp khó khăn. Trong khi đó, bà con nông dân rất liên kết, cái khó khăn chính là chưa liên hệ tìm được đối tác khách hàng lớn từ EU để tiếp cận, làm việc và xem doanh nghiệp có đủ khả năng để đáp ứng sản lượng, cũng như chất lượng với người ta hay không”, ông Vũ Tuấn Thanh chia sẻ.

Liên quan đến nội dung này, ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy EU phụ trách nông nghiệp cho biết, trong hai năm tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin để tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ các hàng hóa nông sản, thực phẩm.

Đồng thời kỳ vọng, các sản phẩm từ EU như: thịt, sữa, rau, trái cây, rượu vang, dầu ô liu… sẽ được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận. Ngược lại, người dân EU cũng mong chờ được thưởng thức thêm nhiều các sản phẩm của Việt Nam như cà phê, tiêu, hạt điều, trái cây nhiệt đới…

Dam bao chat luong ve sinh an toan thuc pham de nong san viet nhap vao chau Au hinh anh 2
Các doanh nghiệp cần lưu ý đảm bảo được tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Eu

Để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào được thị trường châu Âu, ông Marco Schulter, Đại diện Hiệp hội nông dân hữu cơ Đức cho rằng, các doanh nghiệp cần lưu ý đảm bảo được tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đó sản phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập thêm vào các thị trường khó tính khác.

“Tiêu chuẩn quan trọng nhất cần tập trung vào an toàn thực phẩm, phải đảm bảo được các chỉ số về an toàn thực phẩm. Thứ hai là phải đảm bảo được độ an toàn và bền vững, theo đó phải đáp ứng được một số những tiêu chuẩn quy định chất lượng, cũng như quy định về pháp lý tối thiểu phải đáp ứng được.

Như chúng tôi làm bên nông trại chẳng hạn, tập trung vào các sản phẩm hữu cơ, thì phải đáp ứng được những chỉ số về hữu cơ. Ví dụ như chúng tôi có thể nhập hạt điều, các sản phẩm từ dừa từ Việt Nam thì nó phải đáp ứng được yêu cầu về hữu cơ đó. Khi đó hàng hóa của các bạn có thể vào được thị trường rất nghiêm ngặt và khó tính như là thị trường Đức”, ông Marco Schulter thông tin./.

Theo Nguyễn Hằng/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/dam-bao-chat-luong-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-de-nong-san-viet-nhap-vao-chau-au-post958541.vov