Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho nông sản xuất khẩu
Ứng phó thách thức đứt gãy chuỗi cung ứng Chuyển đổi số tạo nên một môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh Chậm thay đổi tư duy, nông sản sẽ khó kiếm thị trường xuất khẩu |
Xuất khẩu nông sản đối diện nhiều khó khăn. |
Doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản tươi sang thị trường Mỹ, thời gian qua, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu VINA T&T đã phải đối mặt với không ít khó khăn từ thị trường, cũng như chi phí nguyên vật liệu và logistics tăng cao.
Theo dự báo, trong 6 tháng tới, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, doanh nghiệp đã tìm kiếm giải pháp như chế biến đông lạnh, mở rộng thị trường… để ổn định sản lượng xuất khẩu, bảo đảm không để hàng tồn kho dẫn đến hư hỏng nông sản và giảm giá thành.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty VINA T&T, cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường những sản phẩm chế biến sâu, đông lạnh để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của giá dịch vụ logistics tăng cao. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường dự trữ hàng hóa trong giai đoạn hàng mùa vụ rộ lên để dành xuất khẩu vào thời điểm bị khan hàng”.
Công ty International Fresh Group là doanh nghiệp chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường châu Âu. Ông Hoàng Xuân Khang, Công ty International Fresh Group chia sẻ, hiện sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều rất đáng tiếc.
Lý giải nguyên nhân về tình trạng này, ông Hoàng Xuân Khang cho hay, trên thực tế, công ty đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu.
“Những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu là những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...”, ông Khang chia sẻ.
Đồng ý kiến, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển vừa đưa ra cảnh báo về việc từ tháng 5/2022, các quốc gia trong khu vực châu Âu đang tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm trong các lô nông sản xuất khẩu sang các thị trường này. Đặc biệt là gạo.
Nếu sản phẩm vi phạm dư lượng, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối bắt buộc phải thông tin việc thu hồi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, tivi. Tiếp theo, các mặt hàng tương tự của doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sẽ bị kiểm tra tại kho và doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vào châu Âu sẽ bị tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu với các lô hàng tiếp theo.
Việc thu hồi sản phẩm vi phạm và đăng tin rộng rãi sẽ ảnh hưởng uy tín không chỉ của doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu, mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam.
Khó khăn về chi phí, thị trường, các quy định ngày càng siết chặt về tiêu chuẩn của các quốc gia là những khó khăn mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang phải đối diện. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%. Mặc dù vẫn tăng, song chi phí cho sản xuất, xuất khẩu không ngừng gia tăng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.
Gỡ khó cho nông sản xuất khẩu
Đối diện với những thay đổi của thị trường là điều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận, đồng thời tìm giải pháp thích ứng và thích nghi. Gợi mở giải pháp cho doanh nghiệp, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, yêu cầu của từng thị trường với nông sản khác nhau.
Thí dụ, thị trường Hoa Kỳ yêu cầu rau quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng. Trong khi đó, châu Âu là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, bà Phan Thị Thu Hiền dẫn chứng, mận hậu không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật nào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại. Các loài như sâu đục lá, sâu đục cuống… được phía bạn ghi cụ thể, chi tiết trong các phụ lục.
“Về tổng thể, các hợp tác xã, hộ nông dân cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu. Riêng thị trường châu Âu, những nông sản như xoài, bưởi, chanh và một số loài rau ăn lá nằm trong nhóm được yêu cầu”, bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.
Để phù hợp với yêu cầu của từng thị trường, các chuyên gia đánh giá, việc tiêu thụ các mặt hàng chế biến sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, đồng thời giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là rủi ro về hàng rào kỹ thuật. Điển hình như, với sản phẩm sầu riêng, khi chế biến sâu bằng cách cấp đông có thể bảo quản được cả năm, thay vì chỉ được vài ngày như sầu riêng chín tươi nên doanh nghiệp có thể chủ động được thời gian xuất bán khi được giá. Giá trị sản phẩm cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba so với bán thô.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu quan điểm, thứ nhất là chúng ta phải tăng cường chú trọng đến chất lượng, đừng để vi phạm đến những quy định của nước nhập khẩu về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc sâu bệnh vì nếu không chú ý đến yếu tố này, hàng đến nơi có thể là bị hủy hoặc thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, do hàng tươi đi bằng máy bay có chi phí rất cao, gặp rất nhiều rủi ro về hàng rào kỹ thuật nên doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến các mặt hàng rau quả chế biến để tiết giảm tiền cước.
Về phía các cơ quan chức năng, trong nửa cuối năm nay, để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ triển khai hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường.
Theo Hà Anh/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tim-huong-thao-go-kho-khan-cho-nong-san-xuat-khau-post706046.html
Bình luận