Doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững
Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng “cao tốc EVFTA” Nâng cao chất lượng nông sản để hướng đến thị trường xuất khẩu |
Doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững. Ảnh: Vân Hà |
Chủ động bắt nhịp với thị trường
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực TPHCM, trong bối cảnh mới sau dịch COVID-19, muốn tồn tại và phát triển, đầu tiên doanh nghiệp phải bắt nhịp được với thị trường để đưa ra những sản phẩm phù hợp. Cụ thể, các doanh nghiệp buộc phải tìm hiểu, nghiên cứu tiêu chuẩn thị trường và thay đổi mẫu mã theo nhu cầu. Điển hình như với thị trường Nhật Bản, đây là thị trường có đặc điểm dân số già, người lớn tuổi nhiều hơn người trẻ, do đó khi xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp buộc phải lựa chọn những sản phẩm xanh, phù hợp với độ tuổi, nhu cầu tiêu dùng của họ.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean - thông tin, các cửa hàng thời trang là một phần kế hoạch phát triển thị trường nội địa của doanh nghiệp khi đơn hàng xuất khẩu tại thị trường chính như Mỹ và Châu Âu sụt giảm kể từ quý III/2022. Khoảng 3 triệu sản phẩm của doanh nghiệp này đã được tung ra thị trường, nâng tỉ lệ hàng hoá trong nước của Việt Thắng Jean lên 30%.
Là một trong những ngành hàng linh hoạt tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do (FTA), bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản, Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn thứ 3 toàn cầu sau Na Uy, Trung Quốc.
Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm gần 27%. Cập nhật đến thời điểm cuối tháng 10.2022, xuất khẩu vào thị trường này đã đạt gần 2,3 tỉ USD, tăng 14% so với 2018 (thời điểm trước khi ký Hiệp định CPTPP) và tăng khoảng 40% so cùng kỳ.
Doanh nghiệp tận dụng cơ hội
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng nội địa khi thị trường xuất khẩu bị sụt giảm, Bộ Công Thương mới đây cho biết, sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, ứng dụng thương mại điện tử để phân phối, tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia các chương trình ngày mua sắm trực tuyến, gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…
Bộ Công Thương lưu ý, để giành được nhiều hơn nữa thiện cảm và mối quan tâm của người tiêu dùng trong nước, trước hết chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp phải ngang bằng với chất lượng hàng hoá xuất khẩu.
Nhà sản xuất cũng cần chú ý hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói cũng phải hợp mẫu mã và thói quen tiêu dùng của người Việt.
Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng.
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam khi gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới, ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch EuroCham nhận định, để tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý thường xuyên kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật, thông báo về thay đổi quy định của EU.
Đặc biệt là các vấn đề kiểm soát, kiểm định các mối nguy mất an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu, cụ thể là các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật (TBT) liên quan đến sản phẩm, đáp ứng yêu cầu truy xuất một công đoạn bất kỳ trong quy trình sản xuất - xuất khẩu khi có yêu cầu và các biện pháp tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Theo THU GIANG/laodong.vn
Bình luận