Những tỷ phú làm giàu từ nông nghiệp đô thị ở vùng ven TP.HCM
Phát triển nông nghiệp thông minh ở Hà Giang Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn Nhiều mô hình nông nghiệp phù hợp vùng đất ven đô |
Nông dân canh tác linh hoạt - hái tiền tỷ ở phố thị
Ở ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM, nhiều người biết đến ông Vũ Đình Tứ, một tỷ phú nông dân thường xuyên giúp đỡ bà con địa phương. Cách đây hơn 7 năm, ông Tứ mạnh dạn đưa giống bưởi da xanh về trồng trên vùng đất phèn chua ở vùng ven thành phố và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc áp dụng đúng quy trình VietGAP mang lại chất lượng trái ngon, đồng đều, đẹp mã, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Mô hình vườn ươm cây giống kết hợp vườn bưởi 60.000 m2 đã mang lại thu nhập ổn định cho ông Tứ khoảng 600 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, vườn bưởi còn tạo công ăn việc làm cho 21 lao động địa phương với mức thu nhập của mỗi người trên 6 triệu đồng một tháng.
Ông Vũ Đình Tứ bên vườn bưởi da xanh ở huyện huyện Bình Chánh, TP.HCM. |
Sở dĩ ông Tứ được nhiều người quý mến bởi ông luôn là hạt nhân nòng cốt tham gia ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân hàng năm, đóng góp kinh phí chăm lo cho người nghèo tại địa phương. Hàng năm, ông Tứ giúp đỡ ít nhất 11 hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng để họ vươn lên khởi nghiệp, làm giàu. Năm 2022, ông Vũ Đình Tứ, là một trong số 28 gương điển hình được Hội Nông dân TP.HCM vinh danh.
Ông Tứ chia sẻ, trồng bưởi khó nhất vẫn là ổn định đầu ra. Là sản phẩm không mới và chịu sự cạnh tranh với nhiều địa phương khác, song bưởi da xanh trên vùng đất phèn của Bình Chánh cũng có những đặc trưng riêng. Quan trọng là làm sao đạt chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng và tận dụng được lợi thế về địa lý.
“Trước mắt thì chất lượng trái có độ ngọt đậm hơn, thứ hai là gần ở TP.HCM cũng là lợi thế, đây là thị trường tiêu thụ trái cây tốt hơn. Bưởi da xanh là loại trái cây thường được dùng để thờ cúng trong những ngày rằm hay mùng 1 nên sản phẩm của mình tập trung để cung cấp cho các hộ gia đình để người ta thờ cúng là nhiều, một phần dành cho để tiêu thụ cho ngày Tết” - ông Tứ nói.
Chị Trần Thị Kiều Thơ được nhiều người biết tới là nữ Phó Chủ nhiệm CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. |
Trong số những gương nông dân tiêu biểu trong hoạt động nông nghiệp đô thị ở TP.HCM có chị Trần Thị Kiều Thơ, ở khu phố 2, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. Những năm qua, được tham gia các lớp sơ cấp nghề, chị Thơ áp dụng trồng bonsai, phôi bonsai, lan giống và nhân giống một số lan quý hiếm. Gom góp vốn liếng, chị Thơ xây dựng vườn lan và vườn trồng rau sạch trong nhà lưới theo phương pháp hữu cơ; xây dựng mô hình nhà mẫu trồng nấm rơm cho Hội Nông dân phường, kết hợp trồng bonsai và kinh doanh phòng trọ.
Với phương châm "sản phẩm tại chỗ, bán tại chỗ", chị không tốn công vận chuyển, mỗi năm thu lời từ 200 - 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, thu nhập từ kinh doanh hoa, cây kiểng, bonsai từ 200 đến 300 triệu đồng và dịch vụ cho thuê phòng trọ thu được 1,2 tỷ đồng mỗi năm.
Chị Trần Thị Kiều Thơ cũng là Phó Chủ nhiệm CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, nữ nông dân này luôn giúp đỡ hộ nghèo, khó khăn, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật tại Thủ Đức và một số địa phương khác như: Bến Tre, Mỹ Tho...
“Người nông dân để tạo ra được hoa lan thì rất cực, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, phải đầu tư nhiều thì lợi nhuận mới cao. Diện tích của mình không được nhiều nên phải chuyển đổi thêm những mô hình khác, bonsai cây kiểng.... Tôi cùng nhiều anh em thành lập tổ sản xuất kinh doanh giỏi để huy động nhiều anh chị cùng làm” - chị Thơ bộc bạch.
Anh Nguyễn Đình Tuyến, nông dân trẻ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh giỏi của Quận Bình Tân có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương. |
Dành 135 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp đô thị
Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM - ông Nguyễn Văn Thanh đánh giá, không chỉ có 28 gương nông dân tiêu biểu năm 2022 vừa được tôn vinh, TP.HCM còn có rất nhiều gương nông dân có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Họ là những gương đi đầu trong các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả, cần được khuyến khích, biểu dương và nhân rộng. Đặc biệt, họ không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân mà còn có trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội, với cộng đồng dân cư thôn xóm.
Quá trình phát triển để nông nghiệp TP.HCM theo hướng đô thị hiện đại, bền vững không thể không nhắc đến vai trò hội viên nông dân, nhân tố tích cực góp phần cùng TP.HCM phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo công tác an sinh. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và các cấp hội sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ nông dân về vốn. Với quỹ hỗ trợ nông dân hiện có khoảng 135 tỷ đồng, đủ đáp ứng cho nhu cầu vay vốn phát triển sản phẩm sạch, chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Việc xây dựng chương trình giới thiệu sản phẩm tiêu biểu với những sản phẩm mới, chất lượng cao hằng năm cũng đang được thực hiện nhằm hỗ trợ nông dân, các đơn vị sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân TP.HCM cho biết: “Bốn năm nay, chúng tôi đã chọn ra được khoảng 110 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Đây là những sản phẩm chế biến sâu, tức là trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân áp dụng khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn và sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao và tập trung vào hoạt động chế biến sau thu hoạch”.
Năm 2022 có 1/3 trong số 30 sản phẩm nông nghiệp của các nông dân tiêu biểu TP.HCM là sản phẩm chế biến sâu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp đô thị của TP.HCM trong xu hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu để tăng cường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm từ bàn tay, khối óc và tâm huyết của những người nông dân trong thời hội nhập./.
Theo Nguyễn Quang/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/nhung-ty-phu-lam-giau-tu-nong-nghiep-do-thi-o-vung-ven-tphcm-post976132.vov
Bình luận