Phát triển nông nghiệp thông minh ở Hà Giang
Ở nơi địa đầu cực bắc Tổ quốc, xã Lũng Cú, huyện Ðồng Văn trước kia là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng kém, thâm canh không hiệu quả. Xã Lũng Cú đã cử cán bộ xuống từng thôn, cầm tay chỉ việc, giúp họ thay đổi phương thức sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu.
Người dân xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang ứng dụng khoa học-công nghệ vào chăm sóc cây cam. |
Gia đình anh Vàng Gỉ Pò, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú đã mạnh dạn chuyển đổi từ 1,5ha cây ngô năng suất kém sang chuyên canh rau bắp cải. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hằng năm gia đình anh thu ba vụ rau với giá bán từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg.
Anh Vàng Gỉ Pò vui mừng chia sẻ: Nhờ cán bộ khuyến nông xã tư vấn chuyển đổi từ cây ngô sang bắp cải và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, ngấm đều các gốc rau nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng cao. Ðến vụ thu hoạch, các hợp tác xã thu mua tiêu thụ nên đầu ra ổn định. Gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo rồi!
Ðối với huyện vùng cao có hơn 80% diện tích núi đá như Ðồng Văn, ứng dụng khoa học và công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, thâm canh tăng vụ đang là hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích canh tác.
Tuy nhiên, thay đổi tư duy và tập quán canh tác luôn là bài toán khó. Ðể tháo gỡ khó khăn này, việc phát huy vai trò của các hợp tác xã trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất luôn được ưu tiên hàng đầu.
Huyện Ðồng Văn có 10 hợp tác xã và 26 tổ hợp tác tham gia liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản được ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn để áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Ðiển hình như Hợp tác xã Po Mỷ đã liên kết các hộ nuôi ong bạc hà với nhau, hỗ trợ kỹ thuật theo chu trình khép kín, sản xuất theo chuỗi giá trị, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Sau hơn ba năm, Hợp tác xã Po Mỷ đã phát triển quy trình sản xuất khép kín trên diện tích 5ha nông trại, với quy mô 1.600 đàn ong, cho thu hoạch khoảng 4.000 lít mật/ năm.
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu gắn với ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển các cây, con giống đặc sản của địa phương, biến cây con bản địa thành nông sản chủ lực. Ðiển hình là các mô hình như: thâm canh cải tạo vườn cam sành tại ba huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; mô hình trồng hồng không hạt xã Na Khê (Yên Minh); trồng cây lê huyện Ðồng Văn; mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP tại Ðồng Văn...
Bà Phạm Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang, cho biết: Bảo tồn và chọn lọc và phát huy các nguồn gien quý từ các loại cây, con bản địa sẽ giúp thích nghi tốt hơn với môi trường và chống chọi với những thay đổi bất thường của thời tiết.
Trung tâm đã nhân rộng 32 mô hình sản xuất đại trà, với quy mô hơn 1.200ha, thu hút 3.800 hộ tham gia. Các mô hình đều được tập huấn hướng dẫn khoa học và công nghệ đã giúp người dân sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng tình hình biến đổi khí hậu. Ông Ðặng Huy Tiến, thôn Xuân Phú, xã Yên Hà, huyện Quang Bình cho biết, trước đây, vào những đợt nắng nóng, vườn cam của gia đình hay bị chết cháy.
Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) đã giúp người nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu, chăm sóc theo đúng chu kỳ phát triển của cây, cho nên năng suất tăng lên khoảng 20%. Dự án còn xây đập dâng nước trên thượng nguồn, xây dựng ba bể chứa trên các đỉnh đồi để cấp nước và tích nước đã giúp 30 hộ dân trồng cam ở xã Yên Hà áp dụng công nghệ tưới tự động...
Khởi nghiệp từ ruộng vườn nhưng anh Nguyễn Xuân Tiến, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên lại có tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Với sự nhanh nhạy của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số, anh đã phát triển mô hình nhà lưới trồng dưa leo Nhật Bản, cà chua và dâu tây mang lại thu nhập cao. Cả ba khu nhà lưới rộng 1.800m2 đều được anh lắp đặt hệ thống tưới hiện đại, được vận hành thông qua điện thoại di động thông minh.
Chia sẻ về mô hình này, Anh Tiến cho biết: Chỉ cần bật điện thoại và bấm nút, cây trồng sẽ được tưới đầy đủ nước, làm tăng độ ẩm để sinh trưởng tốt. Công nghệ giúp tôi tiết kiệm tiền thuê nhân công”. Hay tại vựa cam sành huyện Bắc Quang, có rất nhiều hộ dân tìm giải pháp tiêu thụ bằng cách “livestream” bán hàng hoặc đưa lên sàn thương mại điện tử quảng bá sản phẩm cam sành của gia đình...
Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang chia sẻ, Hà Giang đã nỗ lực khắc phục khó khăn để áp dụng khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, ứng dụng vào chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín chưa toàn diện. Tỉnh chưa thu hút được những doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị; sức cạnh tranh của nông sản trong tỉnh còn thấp so với hàng trong nước, khu vực; quy mô sản xuất một số sản phẩm chủ lực chưa đủ lớn…
Theo Ninh Cơ và Hồng Hà/nhandan.vn
https://nhandan.vn/phat-trien-nong-nghiep-thong-minh-o-ha-giang-post718818.html
Bình luận