Nông dân huyện Đan Phượng: Hành trình 30 năm thi đua “làm giàu” Chuyện những tỷ phú nông dân nơi đại ngàn

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông dân, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 Khoá XIII xác định: Trong thời gian tới, nông dân không chỉ là chủ thể mà còn là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; và lần đầu tiên, “nông dân” được đặt lên vị trí trước “nông nghiệp”, “nông thôn”. Điều đó khẳng định một tinh thần mới, một kết luận súc tích, rõ ràng, một khẳng định chắc chắn của Ban chấp hành Trung ương Đảng về vị trí quan trọng hàng đầu của nông dân.

Vậy làm thế nào để người nông dân tự tin vươn ra biển lớn, vào tương lai với vị trí trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn? Đây là nội dung bài cuối trong loạt 3 bài: "Nông dân – vị thế người làm chủ nông nghiệp, nông thôn” của nhóm phóng viên VOV thực hiện.

Nông dân Nguyễn Văn Mọi (thường gọi là Ba Mọi), thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận lượng hoá cụ thể về điều kiện phát triển cây nho như một nhà khoa học. Đây là thói quen lão nông 80 tuổi này đã tôi rèn được trong cả cuộc đời để vượt qua những thăng trầm của nghề nông trên vùng đất khắc nghiệt, nắng cháy này.

Nông dân - Vị thế người làm chủ nông nghiệp, nông thôn
Lão nông Ba Mọi người tiên phong làm du lịch sinh thái vườn nho tại Ninh Thuận. (Ảnh: ninhthuanreview.com)

Ông Mọi chia sẻ: “Điều đau đáu của tôi là tiếp tục có thêm được sự hỗ trợ của nhà khoa học, cơ quan quản lý để phát triển nghề trồng nho của Ninh Thuận. Và điều đặc biệt là tôi mong bà con trồng nho cố gắng, mỗi người cố thêm một tý để thay đổi tập quán canh tác. Vì tôi nghĩ chính giá trị của cây nho sẽ giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu và nâng tầm giá trị cuộc sống của chúng ta lên".

Niềm đau đáu và khát vọng nâng tầm giá trị cho nông sản quê nhà, nâng tầm cuộc sống cho những nông dân của lão nông Ba Mọi cũng chính là những mục tiêu được đặt ra trong những Nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với trụ đỡ chiến lược của đất nước là nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Và mới đây, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 Khoá XIII một lần nữa khẳng định tinh thần mới: Nông dân không chỉ là chủ thể mà còn giữ vị trí trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; mọi nguồn lực, chính sách, hoạt động phải xoay quanh người nông dân, hướng tới, hỗ trợ nông dân.

Nghiên cứu Nghị quyết 19, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Tổng hội nông nghiệp Việt Nam rất tâm đắc: "Nghị quyết 19 thực sự dành cho nông dân. Tôi rất tâm đắc trong Nghị quyết này, để phát huy vai trò chủ thể của nông dân, là gắn phát triển giai cấp nông dân với quá trình phát triển nông nghiệp và công nghiệp hoá, đô thị hoá".

Tri thức hóa nông dân, hình thành nên một tầng lớp nông dân chuyên nghiệp chính là lời giải cho bài toán này.

Ý kiến của GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: "Muốn thay đổi phải đào tạo một thế hệ nông dân mới của thời chuyển đổi số, nhà nước đào tạo họ và coi việc đào tạo như đầu tư cho phát triển nông thôn. Từ đó hình thành các tầng lớp nông dân mới, họ là các doanh nhân trên đồng ruộng của họ".

Một trong những chính sách, pháp luật tác động lớn nhất đến nông dân, đến tư liệu sản xuất quý giá nhất của họ hiện nay là Luật đất đai.

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất: "Làm sao chính sách của chúng ta để người nông dân có thể làm giàu sống sung túc trên đất thì sẽ không có tình trạng bỏ hoang đất đai. Có nguyên nhân từ tình trạng đất đai phân tán, đầu vào chi phí cao, năng suất thấp nên càng làm càng bị lỗ. Về chính sách pháp luật đất đai phải giải quyết cho bằng được bài toán tích tụ tập trung đất đai, nhà nước, doanh nghiệp phải đồng hành với người nông dân".

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu, quan điểm trong Nghị quyết 19 thể hiện như một cuộc cách mạng mới đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

"Đưa nông dân chân lấm tay bùn lên vị trí chủ thể, phải thay đổi tư duy của cả nông dân và lãnh đạo, phải tạo môi trường công bằng, phải hỗ trợ họ. Đây là sự nghiệp vĩ đại của nông dân. Nghị quyết 19 chắp cánh cho nông dân đi vào tương lai" - TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắn nhủ: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh".

Đó là một triết lý "tam nông", khơi nguồn khát vọng khi đương thời, cho đến hôm nay và mai sau. Khát vọng ấy cũng chính là mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, để thực hiện “dân giàu, nước mạnh”. Trong chặng đường cách mạng mới này, người nông dân tiếp tục là nhân tố quyết định, đảm nhiệm vị trí trung tâm của tiến trình phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa đất nước tiến lên giàu đẹp, hiện đại, văn minh./.

Theo Hương Lan - Phương Chi - Trần Long/VOV1

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/nong-dan-vi-the-nguoi-lam-chu-nong-nghiep-nong-thon-post979226.vov