Tăng cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài Giá xăng tăng, tài xế công nghệ tắt app Giá xăng tăng cao, nhiều tài xế công nghệ tắt ứng dụng

Bà Mai Thị Hường sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Chồng bà Hường là ông Nhữ Đình Mây mắc bệnh thận, phải ra Hà Nội điều trị cách đây 18 năm, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai bà. Đến năm 2015, khi mẹ chồng mất, bà Hường quyết định lên Hà Nội, đồng hành cùng chồng tiếp tục chữa bệnh.

Con ngõ nhỏ số 121 phố Lê Thanh Nghị nơi bà Hường trọ từ lâu vẫn được nhiều người biết đến với cái tên “xóm chạy thận”. Sở dĩ, xóm có tên đặc biệt như thế, vì chẳng biết từ bao giờ, các bệnh nhân cùng mắc bệnh thận đã rủ nhau về đây chung sống quây quần, đùm bọc như một đại gia đình, dù xuất thân mỗi người khác nhau, từ những miền quê khác nhau. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống.

Nữ tài xế “riêng” của xóm chạy thận
Bà Mai Thị Hường là nữ tài xế đặc biệt nhất ở xóm chạy thận (Ảnh: NVCC)

Tại “xóm chạy thận”, không phải tất cả mọi người dân đến sinh sống đều là những người mắc bệnh suy thận. Có cả những người không đành lòng bỏ mặc người thân chống chọi với bệnh tật nên đã ở luôn lại để tiện bề chăm sóc. Trong xóm, bà Hường là một trong những người có sức khỏe tốt, nhiều năm qua, bà Hường được biết đến là nữ tài xế “riêng” của xóm, chuyên chở những người bệnh chạy thận nghèo.

Nói về cơ duyên, bà Hường cho biết, khi mới bắt đầu ra Hà Nội, do chưa quen nên cuộc sống của gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Bà phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống như rửa bát thuê, trông hàng thuê ở chợ, bán nước… Đến năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, việc làm bị ảnh hưởng, hằng ngày, sau khi đưa chồng đến bệnh viện điều trị, bà Hường kiêm luôn làm tài xế chuyên chở những vị khách đặc biệt trong xóm chạy thận đến bệnh viện lọc máu.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà Hường chỉ lấy mức giá “tượng trưng” đối với những bệnh nhân chạy thận, bởi bà biết hoàn cảnh của họ cũng chẳng dễ dàng gì. Có người thì đưa 10.000 đồng, có người đưa 15.000 đồng cho mỗi chuyến cả đi lẫn về, người không có tiền thì bà chở miễn phí. Mấy năm qua đều như vậy, bà chạy xe ôm vì đồng cảm với những hoàn cảnh không may bệnh tật như chồng mình. Kể cả khi xăng tăng cao thì giá mỗi chuyến xe ôm đều không đổi.

Cứ như vậy, hơn 3 năm nay, hàng ngày, mỗi buổi sáng của bà Hường thường bắt đầu từ 6h chở chồng đến bệnh viện rồi quay lại xóm chạy thận chở những người trong xóm đến bệnh viện.

“Buổi sáng, tôi chỉ đi khoảng một tiếng thôi, vì chở họ đến viện rồi đưa họ đến khu vực chạy thận là hết một vòng. Đến trưa thì tôi lại đi từ 10h30 cho đến khoảng 12h. Những lúc không không chở bệnh nhân thì tôi tranh thủ bán hàng nước”, bà Hường chia sẻ.

Từ ngày bắt đầu công việc chạy xe ôm đến nay đã hơn 3 năm, trong suốt thời gian ấy, có rất nhiều kỷ niệm khiến bà Hường không thể nào quên. Nhiều bệnh nhân gọi điện nhờ chở đi cấp cứu lúc 1-2h sáng. Thậm chí, có trường hợp bị tụt đường huyết, bị huyết áp cao hay bị sốt… ngay trong đêm. Nếu không nhờ được chuyển đi cấp cứu kịp thời thì đã nguy hiểm đến tình mạng.

Nữ tài xế “riêng” của xóm chạy thận
Hơn 3 năm nay mỗi ngày cô Hường đều chở bệnh nhân tới viện Bạch Mai chạy thận. (Ảnh:NVCC).

“Tôi cảm thấy vui bởi mình đã góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ người bệnh. Giúp đỡ người cũng là giúp chính mình. Bởi vậy, mỗi khi chồng tôi ốm đau, gặp chuyện giữa đêm, tôi cũng luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của những người hàng xóm. Đó là điều khiến tôi cảm thấy vui mừng và biết ơn”, bà Hường xúc động bày tỏ.

Được biết, mỗi khi chở bệnh nhân chạy thận, biết họ không đứng được lâu, bà Hường luôn sẵn sàng đứng đợi trước cửa để chở về. Mặc dù có rất nhiều khách nhờ chở đi nơi này, nơi khác nhưng bà Hường luôn giữ nguyên tắc là chỉ chở những bệnh nhân trong xóm đi chạy thận.

Mỗi ngày chạy xe, bà chỉ nhận được khoảng từ 50.000-60.000 đồng nghìn, trừ đi tiền xăng xe cũng chỉ đủ mua ít thịt, ít rau. Bà tâm sự rằng, nếu đi bán hàng thường xuyên hơn thì số tiền kiếm được sẽ nhiều hơn, thế nhưng nghĩ đến người bệnh, bà lại không đành lòng.

Bà Hường chia sẻ: “Bệnh nhân ở đây mỗi khi muốn đến viện, gọi xe ôm thì có lúc có lúc không, hơn nữa giá cả lại đắt, nhiều người không đủ tiền đi xe mỗi ngày. Người ta cũng là bệnh nhân, cũng cùng cảnh ngộ như gia đình mình, nghĩ đến đây tôi lại có động lực để tiếp tục”.

Một ngày làm rất nhiều công việc, vừa chăm chồng, vừa chạy xe ôm và bán hàng nước, nhiều lúc bà Hường muốn buông bỏ nhưng nghĩ đến chồng, những người xung quanh, bà lại tự động viên mình vượt lên số phận. Với bà Hường, dù công việc thu nhập không đáng là bao nhưng bà thấy vui, nhẹ nhõm với những chuyến xe khi giúp được phần nào cho những người đồng cảnh ngộ. Không cứ gì chạy xe ôm, với những ai cần giúp đỡ bà đều hết lòng, khi thì đi mua hộ mớ rau, con cá, khi thì mua thuốc, hỗ trợ những công việc xung quanh.