Việt Nam trước khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới Kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam có được do đâu?
Buổi họp báo cáo thành tích hoạt động của JICA Việt Nam trong năm tài chính 2021 của Nhật Bản, từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022.
Buổi họp báo cáo thành tích hoạt động của JICA Việt Nam trong năm tài chính 2021 của Nhật Bản, từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022.

Những thành tích nổi bật

Tại buổi họp báo, thông tin mới nhất mà Trưởng đại diện JICA cung cấp cho phóng viên về công trình đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1. Đó là toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam, tiến độ hoàn thành của công trình hiện đạt khoảng 90%.

Nêu bật những hoạt động, dự án mà JICA triển khai, ông Shimizu Akira nhấn mạnh đến việc hỗ trợ Việt Nam chiến đấu đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Cụ thể, JICA đã cung cấp các sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế như Máy tim phổi nhân tạo ECMO phục vụ chẩn đoán và điều trị, với tổng trị giá 850 triệu yên; Chuyển giao công nghệ và bàn giao các thiết bị chính cho Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III (BSL-3) tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá hơn 200 triệu yên.

Những gói hỗ trợ này nhằm góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán Covid-19, tăng cường khả năng ứng phó của Việt Nam đối với các bệnh truyền nhiễm.

Lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực là một trong những hợp tác mà Nhật Bản luôn quan tâm dành cho các dự án tại Việt Nam. Trong đó phải nói đến hợp tác với trường Đại học Việt Nhật từ năm 2015, tính đến nay đã có 260 học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ và hiện có hơn 200 sinh viên và học viên đang theo học tại trường.

JICA tiếp tục hợp tác thông qua hình thức Hợp tác kỹ thuật và vốn vay nhằm hỗ trợ trường Đại học Việt Nhật mở thêm chương trình đào tạo tiến sĩ, thiết lập cơ sở mới tại Hòa Lạc từ năm 2023, với mục tiêu đưa trường Đại học Việt Nhật trở thành trường đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên.

Đề cập tới hiệp định vay vốn ODA thứ tư cho “Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh Giai đoạn 2” đã được ký kết vào tháng 12/2021, Trưởng đại diện JICA chia sẻ: “Thông qua hỗ trợ phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án nhằm mục tiêu cải thiện môi trường sống nhờ việc nâng cao năng lực xử lý nước thải và giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ”.

JICA đã ký Thỏa thuận cho vay trị giá 25 triệu USD với công ty tư nhân phát triển điện gió của Việt Nam trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị. Đây chính là dự án nổi bật trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua.

Báo cáo các số liệu cụ thể về thành tích hoạt động của JICA Việt Nam trong năm tài chính 2021 của Nhật Bản, từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022, bao gồm: Khoản vay cam kết trong dự án vốn vay ODA là 10,8 tỷ yên (tương đương 75 triệu USD, tạm tính theo tỷ giá hiện tại là 1USD = 144,509 yên) (chưa bao gồm “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”); Dự án Hợp tác kỹ thuật là 4,9 tỷ yên (tương đương 34 triệu USD); Viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yên (tương đương 5 triệu USD), với hơn 100 dự án lớn nhỏ.

Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả

JICA dự kiến triển khai Hợp tác kỹ thuật tăng cường kết nối việc làm cho thực tập sinh kỹ năng. Dự án nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản thông qua xóa bỏ môi giới việc làm bất hợp pháp, vốn là vấn đề tồn tại trong những năm gần đây.

Trưởng đại diện JICA Shimizu Akira cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh. Do ảnh hưởng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia hấp dẫn thu hút sự dịch chuyển. Nhiều nước mong muốn đầu tư ở Việt Nam.

“Tôi thấy Chính phủ Việt Nam coi việc đào tạo lực lượng lao động có chất lượng cao, có qua đào tạo là vấn đề cấp bách. Nhiều dự án của Nhật Bản cho Việt Nam cũng liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao, chẳng hạn lực lượng lao động dành cho công nghiệp phụ trợ...”, ông Shimizu Akira bày tỏ.

ODA tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam ảnh 1
Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Shimizu Akira.

Ông cũng chia sẻ, trên thực tế có những thủ tục còn rườm rà, phức tạp, là một trong những nguyên nhân làm cho chậm triển khai một số dự án. Tuy nhiên, phía JICA luôn ý thức phải tìm ra giải pháp để hướng tới đơn giản hóa thủ tục, để việc thực hiện nhanh hơn.

Một điểm đáng chú ý nữa được ông Shimizu Akira đưa ra, đó là trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16-20% so với trước đây. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tuy nhiên động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng này là nhờ mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên tại buổi họp báo về đánh giá của ông đối với sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau ảnh hưởng của Covid-19, ông Shimizu Akira tin tưởng: “Bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn luôn tươi sáng, vẫn sẽ có những phát triển thuận lợi. Để có thể giữ được sự tăng trưởng kinh tế tốt của Việt Nam, tôi thấy những yếu tố cần thiết. Một xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng là những yếu tố không thể thiếu tại mỗi quốc gia.

“Tôi tin rằng các hoạt động giao lưu văn hóa, kết nối người dân giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ sôi động hơn bao giờ hết”...,

Trưởng đại diện JICA Shimizu Akira

Trong thời gian tới, ODA vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng - động lực tăng trưởng của Việt Nam, ông Shimizu Akira mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả và coi đây là một phương thức huy động vốn thuận tiện, đồng thời là cách thức để có thể đưa công nghệ tiên tiến của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam.

Đặc biệt trong các dự án vốn vay ODA phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ nước ngoài, đồng thời trong suốt thời gian dài thực hiện dự án luôn có sự tham gia của các công ty Việt Nam, nhờ vậy, Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trong xây dựng hay quản lý bảo trì sau khi dự án kết thúc, qua đó hiệu quả của dự án sẽ được tăng cường.

Ông Shimizu Akira tin rằng: “Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn, 30 đến 40 năm, với lãi suất thấp và cố định, làm công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng”.

Hướng tới hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương

Tại buổi họp báo, một lần nữa, Trưởng đại diện JICA đã nhắc đến "Sáng kiến Y tế toàn cầu", ngay cả khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống, JICA cam kết hợp tác hơn nữa trong công cuộc xây dựng một xã hội với khả năng ứng phó mạnh mẽ với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu trong “Sáng kiến” này.

Cụ thể, JICA sẽ tiếp tục thông qua ba bệnh viện trung ương đã có lịch sử hợp tác trong thời gian dài là Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế tại Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thiết lập hệ thống đào tạo từ xa cho y tế tuyến dưới.

Bên cạnh đó, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học... nhằm cải tiến kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng… nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thách thức mới như tình trạng già hóa dân số nhanh.

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, JICA dành nhiều dự án cho Việt Nam. Về dự án Phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất (giai đoạn 2), tháng 5/2022, JICA đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay ODA trị giá 18,871 tỷ yên.

Dự án sẽ cung cấp trang thiết bị cần thiết cho hoạt động phát triển và sử dụng vệ tinh quan sát trái đất tại Hòa Lạc, Hà Nội, đẩy mạnh việc sử dụng dữ liệu thu được từ vệ tinh, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vận hành và bảo trì các thiết bị.

Thông qua những hỗ trợ này, dự án sẽ góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam với việc tăng cường các biện pháp đối phó với thiên tai và lập các kế hoạch ứng phó với các thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý tiếp là viện trợ không hoàn lại nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt tại miền Trung, nơi thường xuyên gánh chịu các thiệt hại do lũ. JICA đang triển khai Dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và Quản lý lũ hiệu quả bằng Hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” tại một số tỉnh trong đó có Thừa Thiên-Huế.

Trưởng đại diện JICA nhấn mạnh đến trung hòa carbon, tức là đưa lượng phát thải khí nhà kính xuống bằng “0”. JICA cũng đang xem xét cho vay mới đối với một số dự án sản xuất điện mặt trời và điện gió khác.

Ngoài ra, JICA đang triển khai một số hợp tác phù hợp với nhu cầu của Việt Nam như: Hỗ trợ ban hành và sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường; Tiếp tục cử chuyên gia về tăng trưởng xanh và chuyên gia về chính sách thoát nước; Triển khai dự án khu công nghiệp thông minh sinh thái tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; Các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050… như mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đang nhắm tới.

Về định hướng dài hạn cho Việt Nam để thực hiện mục tiêu này, ông Shimizu Akira khẳng định: “Nhật Bản có công nghệ phát triển và có thể hợp tác với Việt Nam theo hướng cung cấp công nghệ tiên tiến để Việt Nam có thể đạt được trung hòa carbon vào năm 2050”.

Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam thông qua ODA, đồng thời tăng cường kết nối người dân hai nước, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị 50 năm giữa hai nước, để quan hệ Nhật Bản - Việt Nam tiếp tục phát triển và có bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới.

Theo Trà My/nhandan.vn

https://nhandan.vn/oda-tiep-tuc-dong-vai-tro-quan-trong-cho-tang-truong-cua-viet-nam-post719618.html