TP.HCM: Gỡ vướng từng nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công
Cần giải pháp đột phá thúc đẩy đầu tư công Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm “Cắt” gần 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của 9 bộ ngành và 2 địa phương |
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao các Tổ Công tác đánh giá, nhận diện những khó khăn, vướng mắc của từng nhóm dự án để có giải pháp giải quyết vướng mắc, trường hợp cần thiết tham mưu, đề xuất và dự thảo văn bản của UBND Thành phố phân công chỉ đạo các sở ngành cụ thể chịu trách nhiệm thực hiện, không chờ đến cuộc họp giao ban định kỳ.
Các chủ đầu tư phải chi tiết tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn được giao từ nay đến cuối năm 2022, kiểm soát được những tình huống phát sinh trong quá tình thực hiện để tránh bị động, ảnh hưởng chung đến toàn bộ tiến trình dự án.
Đối với một số dự án cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Tổ Công tác thúc đẩy giải ngân dự án xây dựng khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; đề xuất việc điều chỉnh nguồn vốn ODA dự án Vệ sinh môi trường Thành phố - giai đoạn 2.
Nhiều dự án trọng điểm tại TP.HCM đang chậm tiến độ, ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công, trong đó có dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). |
UBND TP.HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng 4 tuyến đê bao xung yếu khu vực thành phố Thủ Đức. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp sớm có đề xuất xử lý đối với phần vốn ngân sách Trung ương không có nhu cầu giải ngân của dự án Bệnh viện Ung bứu Cơ sở 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để bổ sung cho dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện huyện Hóc Môn.
Mặt khác, UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài chính báo cáo đề xuất xử lý các dự án đã được ứng trước kế hoạch vốn để thi công gồm dự án hai tuyến song hành Xa lộ Hà Nội, dự án bồi thường nam Kênh Đôi và dự án trạm phòng cháy chữa cháy quận Bình Tân.
Đối với dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), UBND TP.HCM giao Ban Quản lý đường sắt đô thị khẩn trương báo cáo đề xuất cụ thể bằng văn bản đối với nội dung nhà thầu đề nghị thanh toán tạm liên quan đến hạng mục tường vây.
Giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ngày 26/9, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng Chính phủ phê bình các Bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công; yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Trên cơ sở đó, phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, địa phương mình nhanh và hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết (75.000 tỷ đồng còn lại) cho các dự án đủ điều kiện. Các Tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thủ tục lòng vòng, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài. Rà soát lại các quy định, chủ động sửa đổi, bổ sung và đề xuất các cấp có thẩm quyền theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Báo cáo của các bộ ngành liên quan, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương được giao vốn lớn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 với hơn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đây cũng là 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Tính đến ngày 23/9, TP.HCM giải ngân được 10.877/37.997 tỷ đồng, đạt 25%. Hiện vẫn còn nhiều dự án giải ngân 0 đồng. Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó một số dự án tồn tại chục năm nay, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. Cùng với đó là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy móc… làm cho nhà thầu thi công cầm chừng. Dự kiến nhiều dự án khả năng đến cuối tháng 11, tháng 12/2022 sẽ giải ngân đạt kế hoạch. |
Bình luận