Thương mại điện tử: Động lực cho doanh nghiệp ASEAN trở thành nền kinh tế Internet trị giá 1 nghìn tỉ USD Kinh tế Internet: Xây dựng và Phát triển doanh nghiệp MMO kinh doanh bền vững

Cẩn trọng để tránh xảy ra bảo hộ ngược

Theo VCCI, Dự thảo đưa ra các biện pháp, điều kiện quản lý các chủ thể cung cấp thông tin, phân biệt theo loại hình cung cấp. Tuy nhiên, dường như các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới được áp dụng các biện pháp quản lý thông thoáng, nhẹ nhàng và ít nghĩa vụ so với các doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, về cấp phép với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp xuyên biên giới chỉ cần cung cấp thông tin liên hệ, và chỉ cần khi đạt ngưỡng 100.000 lượt truy cập hàng tháng từ Việt Nam. Còn doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện thủ tục thông báo, bất kể quy mô và sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đạt ngưỡng 10.000 lượt truy cập hàng tháng.

VCCI cho rằng, ngưỡng quy mô được coi là lớn với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn (chỉ bằng 1/10). Tuy nhiên, vấn đề nội dung xấu của các mạng xã hội xuất phát chủ yếu từ hiệu ứng mạng lưới khi tin giả có thể lan truyền nhanh chóng trong mạng lưới nhiều người dùng.

“Do vậy, việc quản lý với doanh nghiệp nên phụ thuộc vào số lượng người dùng, mà không nên phân biệt giữa trong nước và nước ngoài. Có thể, cơ quan soạn thảo cho rằng ngưỡng 10.000 là phù hợp vì chỉ một số ít các mạng xã hội trong nước đạt ngưỡng này.

Nhưng nếu lượng truy cập vào các mạng xã hội trong nước thấp như vậy, thì các mạng xã hội này tương đối nhỏ trên thị trường Việt Nam, không có ảnh hưởng quá lớn đến các lợi ích công và do đó không cần phải áp dụng biện pháp cấp phép”, theo VCCI.

Quản lý dịch vụ internet: VCCI lo ngại doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh ngược
Tại hội thảo góp ý vào Dự thảo Nghị định này mới đây, nhiều đại diện doanh nghiệp mong muốn loại bỏ các nghĩa vụ của doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định nhiều nghĩa vụ với mạng xã hội trong nước mà các mạng xã hội nước ngoài không phải đáp ứng, chẳng hạn như: Hệ thống kỹ thuật lưu trữ tối thiểu 2 năm; phương án dự phòng bảo đảm duy trì an toàn, liên tục; lưu trữ nhiều thông tin cá nhân hơn, trong đó có số chứng minh nhân dân, nơi cấp, ngày cấp…

VCCI cho rằng, các quy định như vậy sẽ khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh ngược với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thường là các doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực ít, phải đi vào thị trường ngách và cần dựa vào thị trường trong nước để phát triển. Các quy định về điều kiện kinh doanh chặt chẽ và quá nhiều nghĩa vụ sẽ khiến các doanh nghiệp tốn nhiều chi phí tuân thủ, và vô tình khiến các doanh nghiệp nội địa khó có thể phát triển trên chính sân nhà.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại tất cả các quy định quản lý với loại hình trong nước và nước ngoài và loại bỏ các nghĩa vụ của doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Phát biểu tại hội thảo góp ý vào Dự thảo Nghị định này mới đây, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, các quy định của Nghị định cần cẩn trọng để tránh xảy ra bảo hộ ngược, khiến doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được với doanh nghiệp quốc tế, tránh tình trạng nhà đầu tư trong nước ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ vào Việt Nam…

Cân nhắc áp dụng phương pháp phân loại quản lý trong cấp phép trò chơi

Bên cạnh đó, VCCI cũng góp ý về chính sách quản lý cấp phép trò chơi điện tử (game). Dự thảo Nghị định quy định tất cả các trò chơi điện tử đều phải thực hiện thủ tục cấp phép với cơ quan nhà nước trước khi phát hành ra thị trường. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, quy định này là không phù hợp và gây tốn kém rất nhiều chi phí của doanh nghiệp.

Vì điều này không thuận lợi cho tổ chức, cá nhân phát triển game non trẻ (startup). Thực tế, có nhiều game nhỏ do các startup này phát triển có thể không dễ để thu hút người dùng, và sẽ có rất nhiều game có lượng người tải thấp, ít có khả năng gây tác hại cho xã hội. Việc yêu cầu cấp phép sẽ khiến họ bị quản lý quá chặt, dẫn đến việc gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Bên cạnh đó, theo VCCI, việc phát hành game không đồng nghĩa khả năng thu được lợi nhuận. Thực tế, nhiều trò chơi điện tử bị ngừng hoạt động rất sớm do không đáp ứng các yêu cầu về mặt kinh doanh. Việc yêu cầu phải xin phép tất cả các game sẽ dẫn đến các gánh nặng tuân thủ rất lớn trong khi khả năng mang lại lợi nhuận chưa rõ ràng.

Thay vào đó, VCCI đề nghị các doanh nghiệp, cá nhân sẽ chỉ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đạt được ngưỡng người sử dụng nhất định. Doanh nghiệp, cá nhân phát hành tự trách nhiệm kiểm soát các nội dung kịch bản game, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chính trị, chủ quyền lãnh thổ, thực hiện phân loại độ tuổi người chơi và các nghĩa vụ khác cho đến khi đạt ngưỡng cần cấp phép.

VCCI cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc áp dụng phương pháp phân loại quản lý trong cấp phép trò chơi, tương tự chính sách quản lý mạng xã hội đã được đưa ra.

Dự thảo đặt ra cơ chế cấp phép trò chơi điện tử theo 2 bước: Cấp phép với doanh nghiệp cung cấp game; cấp phép phát hành với từng game. Theo phản ánh của doanh nghiệp, các quy định về cấp phép game quá phức tạp, tạo ra rào cản lớn với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến và không khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của ngành game Việt Nam - một ngành còn tiềm năng phát triển rất lớn.

Do vậy, VCCI đề nghị bãi bỏ thủ tục cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, thay việc quản lý bằng biện pháp cấp phép (tiền kiểm) bằng hậu kiểm. Đồng thời, bãi bỏ thủ tục cấp phép phát hành với từng game, thay vào đó, cho phép cơ chế tự kiểm duyệt tương tự như các video ca nhạc không tiền kiểm về nội dung, các phim chiếu mạng cho phép cơ chế tự kiểm duyệt khi doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về hội đồng hoặc phần mềm…

Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng hiện đã được chuyển đến Bộ Tư pháp để thẩm định theo quy định.