Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ: Cần thuận lợi cho hoạt động kinh tế
Quản lý dịch vụ internet: VCCI lo ngại doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh ngược Văn bản pháp luật tốt cũng là cách tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nhà nước |
Kiểm soát sử dụng UAV là cần thiết
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo, với nhiều góp ý về khai thác, sử dụng UAV và tổ chức phòng không nhân dân trong doanh nghiệp.
Về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (UAV), VCCI cho rằng, hoạt động sử dụng UAV có thể gây ra nguy cơ về an toàn hàng không, an ninh quốc phòng nên kiểm soát việc sử dụng UAV là cần thiết để đảm bảo an toàn, an ninh.
VCCI đồng tình với yêu cầu phải đăng ký UAV trước khi sử dụng. Tuy nhiên, UAV cũng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế như dịch vụ nông nghiệp (phun thuốc, phân bón; kiểm tra theo dõi ruộng vườn); du lịch, giải trí (màn trình diễn ánh sáng, tạo ra các video quảng cáo du lịch), giao hàng, xây dựng, phòng cháy chữa cháy… Do vậy, việc quản lý cần đồng thời đáp ứng hai nhiệm vụ, vừa đảm bảo an toàn, an ninh, vừa tạo thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động kinh tế, giải trí.
Dự thảo Luật quy định người trực tiếp điều khiển UAV phải được cấp chứng chỉ. Theo VCCI, quy định này có thể hiểu là mọi cá nhân trực tiếp điều khiển sẽ cần phải có chứng chỉ, như vậy có thể gây ra sự tốn kém cho người điều khiển, đặc biệt trong trường hợp giải trí.
Dự thảo cũng quy định cấp phép với chuyến bay UAV trừ trường hợp phục vụ vui chơi giải trí có trọng lượng cất cánh dưới 0,25kg. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có nhu cầu sử dụng UAV cho các mục đích kinh tế với tần suất nhiều lần sử dụng trong năm tại một số địa điểm/khu vực nhất định.
Dự thảo Luật quy định người trực tiếp điều khiển UAV phải được cấp chứng chỉ. Ảnh: theo VGP |
Cho rằng yêu cầu cấp phép với từng chuyến bay sẽ tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp, người dân, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc chính sách phân loại hoạt động bay, từ đó phân hoá trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể gắn với từng hoạt động bay này, bổ sung quy định miễn trừ phù hợp để đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu quản lý nhà nước và phái triển kinh tế.
Dự thảo quy định hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh UAV là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép hoạt động. VCCI cho rằng, một ngành, nghề thuộc Danh mục kinh doanh có điều kiện khi ngành, nghề đó có ảnh hưởng đến các trật tự công cộng (bao gồm: quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng), theo Điều 7.1 Luật Đầu tư 2020.
Theo VCCI, việc phát triển ngành công nghiệp UAV nội địa sẽ có lợi, vừa phục vụ mục tiêu kinh tế, vừa đảm bảo an ninh và nhu cầu quốc phòng khi cần huy động. Các doanh nghiệp trong nước cũng có thể hỗ trợ thúc đẩy và/hoặc chuyển giao công nghệ quân sự với công nghệ dân sự. Các chính sách quản lý thông thoáng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy mục tiêu này. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại điều kiện kinh doanh với hoạt động sản xuất, kinh doanh UAV.
Chỉ áp dụng với các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn
Bên cạnh đó, theo VCCI, đề nghị xây dựng Luật yêu cầu tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn của quốc gia. Tuy nhiên, Dự thảo đã mở rộng diện áp dụng, theo đó doanh nghiệp có tổ chức lực lượng tự vệ phải tổ chức ít nhất 1 tổ phòng không nhân dân, do lực lượng tự vệ thực hiện hoặc kiêm nhiệm thực hiện.
Theo VCCI, quy định này chưa thực sự phù hợp vì nhân sự của doanh nghiệp sẽ vừa phải thực hiện nhiệm vụ dân quân tự vệ vừa thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân. Các nhiệm vụ này có thể chiếm nhiều thời gian của người lao động, từ đó khiến họ không tập trung vào công việc chuyên môn được thuê và doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí để tuyển dụng lao động mới thực hiện các công việc này. Đồng thời vì kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ (chuyên môn, dân quân tự vệ, phòng không) nên hiệu quả của từng hoạt động, có thể sẽ không cao, không đảm bảo được mục tiêu chính sách.
Cũng theo VCCI, so với các mục tiêu trọng điểm, các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp tư nhân không thực sự là mục tiêu đánh phá chính của địch. Với mục tiêu hạn chế thiệt hại tài sản, con người khi có chiến tranh xảy ra, có lẽ chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án sơ tán người lao động và cất giữ tài sản như Điều 25.4 Dự thảo.
Việc tổ chức lực lượng phòng không thời bình (đi kèm với nhiệm vụ tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng phòng không nhân dân) sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, đặc biệt trong các thời điểm cao điểm sản xuất, kinh doanh.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng thu hẹp đối tượng áp dụng (chỉ áp dụng với các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn của quốc gia). Hoạt động phòng không nhân dân trong thời bình tại các doanh nghiệp khác chỉ nên được tích hợp trong chương trình đào tạo chung của lực lượng dân quân tự vệ và cần đảm bảo không tăng thời lượng tập huấn, huấn luyện.
Bình luận