Quảng bá văn hóa, làng nghề truyền thống Hà Nội tới bạn bè quốc tế
Giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Đài Loan (Trung Quốc) tại Hà Nội Quảng bá văn hóa, du lịch và ẩm thực Việt Nam tới bạn bè Israel |
Ngày 25/2, đoàn đại biểu quốc tế cùng với các đại biểu Trung ương, Thành phố đã có chuyến du xuân hữu nghị tại huyện Phú Xuyên.
Trên địa bàn huyện có đường Quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường sắt Bắc Nam, đường thuỷ sông Hồng đi qua là những tuyến giao thông huyết mạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên, Phú Xuyên được quy hoạch là một trong năm khu đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050
Phát triển kinh tế của địa phương hiện nay chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thu công nghiệp, làng nghề. Diện tích đất nông nghiệp khoảng 11.449 ha chủ yếu là cấy lúa, trồng rau, trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
Đoàn đại biểu đến thăm chùa Ráng, huyện Phú Xuyên. |
Quy mô làng nghề ngày càng được duy trì và phát triển, với 154/154 làng có nghề, trong đó 43 làng nghề được Thành phố công nhận, đã quy hoạch diện tích khoảng 1700ha đất để phát triển các khu, cụm công nghiệp, đến nay 4 cụm điểm công nghiệp làng nghề đã được thành lập với diện tích khoảng 30,59ha, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích 72,17ha.
Bên cạnh việc xác định phát triển kinh tế là trung tâm, việc giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hoá luôn được Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên coi là nhiệm vụ then chốt.
Vì vậy, huyện Phú Xuyên luôn quan tâm bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống như: Các di tích văn hoá lịch sử với kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc tiêu biểu có từ hàng trăm năm nay, các điệu hò, điệu múa…
Đại biểu quốc tế trải nghiệm văn hoá tại làng nghề khảm trai - sơn mài Chuyên Mỹ thuộc huyện Phú Xuyên. |
Tại chương trình, bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội cho biết: "Tiếp nối thành công của chương trình Du xuân hữu nghị truyền thống hàng năm, năm nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Phú Xuyên tổ chức chương trình Du xuân hữu nghị năm 2023 cho các đại biểu Trung ương, thành phố Hà Nội và bạn bè quốc tế đến thăm chùa Ráng và làng nghề khảm trai - sơn mài Chuyên Mỹ thuộc huyện Phú Xuyên.
Đây là một dịp rất có ý nghĩa để giới thiệu nét văn hoá của người Việt Nam và sự đa dạng về các nghề truyền thống của địa phương tới các bạn nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, đồng thời, là cơ hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế".
Có thể nói, huyện Phú Xuyên là cái nôi của nhiều làng nghề nổi tiếng lâu đời. Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Toàn huyện có 120 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 38 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 82 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Trong đó, chùa Ráng - nơi mà đoàn đại biểu quốc tế và Hà Nội đến tham quan và tìm hiểu là một trong những ngôi chùa cổ, là điểm du lịch tâm linh được người dân địa phương và đông đảo khách thập phương đến chiêm bái.
Đại diện các đại biểu quốc tế tham gia chương trình, ngài Saadi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao, Đại sứ Palestine tại Việt Nam đánh giá: "Hôm nay, chúng ta đã được tới thăm Tổ đình Viên Minh, là nơi Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tu hành; được thăm làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ - 1 trong hơn 40 làng nghề của Phú Xuyên, chúng tôi thật sự ấn tượng với sản phẩm và tay nghề của những nghệ nhân nơi đây. Tôi tin rằng các đại biểu đều rất ấn tượng với chương trình hôm nay.
Chúng tôi tin tưởng rằng những hoạt động hữu nghị như chương trình ngày hôm nay sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội và làm cho những người nước ngoài như chúng tôi hiểu hơn về con người, văn hóa và mảnh đất tuyệt vời hơn một nghìn năm văn hiến này".
Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", mặc dù có nhiều khó khăn, song công tác đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục giữ vững vị trí tiên phong, tích cực phát triển, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, huy động sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè và đối tác quốc tế để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững, thúc đẩy tiến trình hội nhập của Thủ đô và đất nước với các nước trong khu vực và thế giới, nâng cao vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế.
Bình luận