Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần rà soát các quy định liên quan đến ứng dụng CNTT Nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo rất lớn

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Phòng, chống rửa tiền về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền; trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước trì hoãn giao dịch.

Theo VCCI, Dự thảo Nghị định quy định cách xác định chủ sở hữu hưởng lợi, cụ thể cá nhân chi phối là cá nhân nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ hoặc chi phối bằng phương thức khác.

Tuy nhiên, quy định này có một điểm chưa rõ ràng ở chỗ “chi phối bằng phương thức khác” là phương thức nào? Thuật ngữ “chi phối” cũng chưa được định nghĩa nên việc xác định các phương thức khác sẽ càng khó khăn hơn. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.

Quy định rõ cung cấp thông tin nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP)

Ngoài ra, Dự thảo yêu cầu xác định chủ sở hữu hưởng lợi với khách hàng là đại diện cho thỏa thuận pháp lý. Tuy nhiên, không rõ “đại diện cho thỏa thuận pháp lý” là gì? Việc xác định chủ sở hữu hưởng lợi ở đây có phải là xác định cá nhân chi phối của tổ chức ủy thác hay không, cũng cần được làm rõ.

Dự thảo quy định các đối tượng báo cáo phải trì hoãn giao dịch trong một số trường hợp đặc biệt, trong đó có các tổ chức trung gian thanh toán. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, trong các tổ chức trung gian thanh toán, chỉ có các tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử mới có thể thực hiện được việc này. Còn các tổ chức trung gian thanh toán khác không thể vì không thiết lập quan hệ trực tiếp, không quản lý hồ sơ khách hàng mà chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp khác thực hiện giao dịch thanh toán.

Khi đó, các tổ chức này không có đầy đủ cơ sở để xác định khách hàng nằm trong danh sách đen và yêu cầu trì hoãn giao dịch như quy định tại Dự thảo. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề này trong Dự thảo.

Cũng theo phản ánh của doanh nghiệp, trong mối quan hệ ngân hàng đại lý, ngân hàng đối tác nước ngoài thường xuyên yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng và giao dịch của khách hàng được thực hiện qua tài khoản Nostro mở tại đối tác. Tuy nhiên, pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa có quy định việc cung cấp thông tin nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền. Việc này có thể gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc tuân thủ quy định phòng, chống rửa tiền cũng như quy định về bảo mật thông tin. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc cung cấp thông tin cho đối tác nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.

Theo dự thảo Nghị định, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền sử dụng kết hợp phương pháp tính điểm và phương pháp chuyên gia để đo lường rủi ro rửa tiền thông qua việc đánh giá nguy cơ rửa tiền quốc gia và đánh giá mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền.

Theo Tờ trình của Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Nghị định nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản quy định chi tiết còn thể hiện nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục một số thiếu hụt về cơ sở pháp lý so với các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) đã chỉ ra trong Báo cáo đánh giá đa phương.