Nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo rất lớn
Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý tiền ảo, Bitcoin để ngăn chặn rửa tiền Giá đồng Bitcoin tiếp tục chìm trong sắc đỏ |
Ngày 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Khó kiểm soát các giao dịch bằng tiền mặt không qua ngân hàng
Cần bổ sung quy định chế tài đối với hành vi vi phạm và nghĩa vụ phòng, chống rửa tiền của các tổ chức tài chính hoặc phi tài chính trong việc nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, báo cáo giao dịch đáng ngờ là góp ý của đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn TP Hồ Chí Minh).
Vì, theo đại biểu, hiện nay việc xử phạt các hành vi trên theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 143/2021 nhưng các văn bản này hầu hết dựa trên tinh thần của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nên một số nội dung về chế tài không còn phù hợp với Dự thảo Luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung và các biện pháp chế tài.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp. (ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các dòng tiền giao dịch bằng tiền mặt bên ngoài mà không qua thiết chế ngân hàng thì rất khó có thể kiểm soát được vấn đề phòng, chống rửa tiền. Chính vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ về những giao dịch đáng ngờ để xác định có hành vi rửa tiền xảy ra hay không.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng đề cập đến trách nhiệm của Bộ Tài chính, vì các hoạt động giao dịch về tài sản, trong đó có giao dịch về bất động sản bao giờ cũng được thể hiện trên cơ sở vấn đề về đóng thuế. “Từ nguồn tiền căn cứ về thuế, từ thuế giá trị gia tăng, thế thu nhập thì lúc đó chúng ta sẽ xác định có những giao dịch đáng ngờ trong đó để tính toán, để xác định xem có dấu hiệu rửa tiền hay không”, đại biểu nói.
Còn theo đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng), trong thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống rửa tiền của thế giới thì đã phát sinh những hoạt động mới có tính chất rủi ro hơn về rửa tiền.
Điều này đặt ra yêu cầu cần có những quy định mới hơn trong Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để bao quát một cách đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm có liên quan đến hoạt động rửa tiền, nhất là các tổ chức cung cấp về dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ.
Theo đại biểu, hoạt động rửa tiền dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ngày càng tinh vi hơn, đặc biệt là trong tài trợ khủng bố thông qua ngân hàng trực tuyến, tiền điện tử. Việc sử dụng thương mại điện tử mua, bán hàng hóa xuyên quốc gia, tiền kỹ thuật số với nhiều loại tiền ảo thì việc mua, bán, chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác không bị kiểm soát qua hệ thống ngân hàng, không bị quản lý của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.
“Phải chuẩn bị quy định, chế định về đầu tư công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa vào các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác chống rửa tiền, nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng rửa tiền bằng kỹ thuật ngày càng tinh vi hơn qua nền tảng kỹ thuật kỹ số, kinh tế số và coi các hoạt động vui chơi có thưởng, tiền ảo, tài sản ảo và hoạt động cá cược”, đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan nhà nước được giao thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, hiện nay việc chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, giữa ngân hàng cấp trên với cấp dưới và giữa các ngân hàng với nhau chưa thực hiện việc liên thông một cách đầy đủ và chặt chẽ. Theo đại biểu, đây là vấn đề đáng lo ngại, cần quy định rõ hơn về chia sẻ, cập nhật thông tin thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị Ban soạn thảo rà soát và làm rõ ngoài bảo hiểm nhân thọ còn có các loại hình bảo hiểm nào khác có thể lợi dụng để rửa tiền không, vì hiện nay các hình thức kinh doanh bảo hiểm rất đa dạng, với số vốn rất lớn. Đại biểu đề nghị, nếu còn một loại hình bảo hiểm có thể lợi dụng để rửa tiền thì đối tượng báo cáo nên giữ nguyên như quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam). (ảnh: Quốc hội) |
Cũng theo đại biểu Dương Văn Phước, mặc dù hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, nhưng tại họp báo của Chính phủ thường kỳ tháng 7 có nêu một vấn đề là hiện nay Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn, là một trong 10 nước tham gia đông. Đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn.
Tiền ảo, tài sản ảo với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những loại hình bất hợp pháp thành tiền sạch hoặc chuyển vào các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.
“Thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, tuy nhiên các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.
Việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm để đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền, tham nhũng, khủng bố”, đại biểu nói.
Liên quan đến quy định về tiền ảo, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu giải trình tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, như Dự thảo ban đầu thì Ngân hàng Nhà nước cũng cùng các bộ, các ngành đưa cụ thể đối tượng báo cáo về kinh doanh tài sản ảo, tuy nhiên rà soát các quy định của pháp luật thì thấy hiện nay trong quy định của pháp luật chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép.
Chính vì vậy, các bộ, ngành trong quá trình dự thảo cũng có ý kiến trình Chính phủ để trình Quốc hội là quy định này sẽ giao cho Chính phủ. Bởi vì, quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền này là luật quy định về phòng, chống rửa tiền, còn trên cơ sở các luật về nguồn sẽ được quy định ở các luật khác, vì vậy sẽ giao cho Chính phủ quy định, trước khi thực hiện sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bình luận