Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý tiền ảo, Bitcoin để ngăn chặn rửa tiền Nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo rất lớn

Chiều 12/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ quý 1/2024. Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp Cao Đăng Vinh đã trả lời về hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo.

Theo ông Vinh, năm 2017, Bộ Tư pháp đã được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo tại Việt Nam và nghiên cứu thông lệ quốc tế. Bộ Tư pháp đã có báo cáo Chính phủ từ năm 2018, với nhiều nội dung.

Bộ Tư pháp kiến nghị cần hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo
Ông Cao Đăng Vinh trả lời tại buổi họp báo.

Trong đó, trên thế giới vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về tài sản ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa, tiền internet... Quan điểm pháp lý các nước cũng rất khác nhau. Ví dụ như Mỹ không ban hành khung pháp lý riêng cho tiền ảo, tài sản ảo mà dùng các quy định chung của luật chuyên ngành điều chỉnh. Có nước ban hành một khung pháp lý điều chỉnh tài sản mã hóa, không có quy định chi tiết riêng cho nội dung tài sản ảo, tiền ảo.

Ông Vinh đánh giá, việc sử dụng tài sản ảo, tiền ảo chứa đựng rất nhiều rủi ro, dễ bị lợi dụng chiếm đoạt. Trong báo cáo, Bộ Tư pháp cũng đã cảnh báo nội dung này, xác định nếu phát hành phải tuân thủ các quy định liên quan.

Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể liên quan đến tài sản mã hóa, chưa có thừa nhận. Vì vậy, Bộ Tư pháp cũng đã có kiến nghị cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tài sản ảo, tiền ảo, kiến nghị giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành để xây dựng văn bản điều chỉnh, quản lý. Vừa rồi Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Tài chính, nên Bộ Tư pháp sẽ phối hợp để xây dựng văn bản quản lý vấn đề này.

Nói về nên cấm hay quản lý, ông Vinh cho rằng, trước đây trong báo cáo, Bộ Tư pháp vẫn cho rằng theo hướng có quản lý, vì tài sản mã hóa thực chất vẫn là một loại tài sản theo quy định của pháp luật dân sự.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước, phải có khuôn khổ pháp lý để quản lý. Còn cụ thể hoạt động như thế nào, những hoạt động nào bị lợi dụng, hành vi nào rủi ro gây nguy hiểm... cần có quy định rõ để ngăn ngừa lạm dụng chiếm đoạt tài sản. “Cần có nghiên cứu đánh giá tác động chi tiết”, ông Vinh nói.

Tháng 2/2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025.