Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Tăng sức hút đầu tư cho Hà Nội
Hơn 2.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại Hà Nội Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn Sắp diễn ra sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng |
Ngày 25/3/2022, Hà Nội phê duyệt đề án phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Về định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng chuyên đề 2: Điểm sáng phía Đông”, bà Nguyễn Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên nguyên tắc: Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ; không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ; không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016.
Quy hoạch sẽ không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông. (Ảnh minh họa: CT) |
Đồng thời, đây cũng được quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.
Quy hoạch cũng nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.
Cùng với đó, Đề án đảm bảo các định hướng, tuân thủ Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 của Chính phủ về “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, cũng như các quy hoạch chuyên ngành về giao thông, đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và các pháp luật đê điều, nhấn mạnh tính hiện trạng thực tiễn của khu vực dân cư hiện có.
Bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, tới 3 khu vực quy hoạch chính: khu vực dân cư được tồn tại phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên; khu vực được xây dựng mới; phần còn lại là khu vực trục không gian xanh bao gồm: Sông Hồng, các công viên đô thị, công viên sinh thái ở bãi sông. Như vậy, trục không gian cây xanh mặt nước chiếm gần 80% là yếu tố quan trọng quyết định sông Hồng thành không gian cảnh quan, không gian xanh của thủ đô Hà Nội.
Đề án cũng định hướng rõ khu vực bãi sông gồm các khu vực dân cư cần di rời cũng như khu vực cần chỉnh trang với các nguyên tắc cụ thể. Ưu tiên các quỹ đất cho công trình xã hội, hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng xã hội. Đồng thời, quỹ đất trống xây dựng khu đô thị hài hoà với thiên nhiên.
Đề án cũng đã xác định những nội dung về đê điều cần giải quyết và tạo được hành lang pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc khi đưa vào xây dựng; đưa ra quy hoạch về kiến trúc cảnh quan, nghiên cứu hệ thống cốt nền, khảo sát kỹ khu vực dân cư hiện có. Đặc biệt, Hà Nội cũng đã phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, là cơ sở để ủy ban nhân dân các quận huyện có trách nhiệm thực hiện triển khai đề án.
Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội khẳng định, sau khi các tuyến đường, cây cầu kết nối được hình thành, sông Hồng sẽ phát huy được hết giá trị của trục không gian cảnh quan, trở thành điểm đến cho người dân Thủ đô và khu vực. Sông Hồng lúc đó sẽ trở thành trục không gian xanh, và sức hấp dẫn cũng như giá trị sẽ không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà có tính lan toả, tạo động lực phát triển cho cả thủ đô Hà Nội về phía Bắc, phía Đông, phía Đông Bắc cũng như phía Nam, tăng thêm sức hút đầu tư cho thủ đô Hà Nội, biến Hà Nội thành thành phố hai bên sông đáng sống, văn minh hiện đại.
Diệp Anh
Bình luận