Tạo dựng và thiết lập việc sử dụng không gian biển hợp lý hơn Phát triển kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ

Việt Nam là quốc gia biển với đường bờ biển dài hơn 3260km cung cấp vốn tự nhiên lớn cho phát triển kinh tế biển và có nhiều tiềm năng điện gió ven bờ và ngoài khơi, nếu được phát triển hợp lý sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giúp Việt Nam đạt được các cam kết trung hòa carbon vào 2050.

Nhằm phát huy tiềm năng to lớn này, Việt Nam đã ban hành Nghị Quyết số 36/NQ-TW của Trung ương năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó đặt ra giải pháp quan trọng là xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Quy hoạch không gian biển Việt Nam vì đại dương bền vững
Việt Nam là quốc gia biển với đường bờ biển dài hơn 3260km cung cấp vốn tự nhiên lớn cho phát triển kinh tế biển. (Ảnh minh họa: Minh Phương)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, là một quốc gia ven biển có bờ biển dài, nhiều đảo; đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi và tài nguyên biển và tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là loại quy hoạch đa ngành, khó và phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận không gian, tổng hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn, thông qua hội thảo, các trao đổi, thảo luận tích cực, trách nhiệm của các đại biểu tham dự sẽ làm sáng tỏ hơn các nội dung của quy hoạch; vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan và các giải pháp để thu hút, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện quy hoạch trên thực tế, cũng như việc quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch sau này.

Theo quy định, phạm vi của Quy hoạch vùng bờ bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển như sau: Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm 6 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố; vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Quy hoạch không gian biển Việt Nam vì đại dương bền vững
Toàn cảnh hội thảo.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển bền vững vùng bờ dựa trên sự nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, sử dụng tài nguyên theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cải thiện sinh kế và mức sống của cộng đồng dân cư ven biển gắn với bảo tồn và phát triển giá trị tự nhiên, sinh thái, văn hóa; giữ vững trật tự xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Phát biểu tại hội thảo, bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam chia sẻ, Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng các kế hoạch quản lý vùng bờ và đại dương. Kinh nghiệm quản lý tích hợp biển và đại dương của Na Uy cho thấy việc phát triển một nền kinh tế đại dương mạnh mẽ đồng thời với việc đảm bảo môi trường biển sạch và lành mạnh là điều hoàn toàn có thể. Một quy hoạch không gian biển có chất lượng là chìa khóa thành công. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng được cùng với UNDP và các cơ quan đối tác Việt Nam tổ chức hội thảo ngày hôm nay và chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy về vấn đề này.

Tại hội thảo, đại diện Cục Biển và hải đảo Việt Nam đã trình bày về nội dung Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch được lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan trong phạm vi vùng bờ, nhưng có sự điều chỉnh, xử lý đối với các vùng chồng lấn về sử dụng không gian vùng bờ; bảo đảm sự hài hoà trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng bờ.