Sách nói - Nhiều tiềm năng để phát triển
Thị trường sách nói phát triển mạnh mẽ
Cùng với sự ra đời của các sản phẩm điện tử thông minh, xu hướng đọc sách của độc giả dịch chuyển từ các ấn bản in sang sách điện tử, sách nói. Trước đây sách nói chủ yếu dành cho độc giả khiếm thị, hiện nay khi công nghệ số lên ngôi, nhiều người tìm đến sách nói như một cách thay thế cho việc đọc sách truyền thống. Với loại hình sách này, độc giả có thể nghe sách để tiếp cận thông tin, học tập và giải trí trong thời gian di chuyển trên đường, làm việc nhà…
Các chuyên gia chia sẻ với bạn đọc về chủ đề: Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng. |
Là một trong những độc giả gắn bó với sách nói hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Dịu (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết các nhà sách đều tạm đóng cửa, để phục vụ nhu cầu đọc sách cho con, tôi đã tìm đến các xuất bản phẩm điện tử. Tôi cùng các con nghe sách trên ứng dụng sách nói Voiz FM. Sau khi trải nghiệm, nhận thấy sách nói khá tiện lợi, có thể nghe mọi lúc, mọi nơi, chúng tôi quyết định chuyển từ đọc sách giấy truyền thống sang sách nói”.
Là một trong những ứng dụng sách nói có bản quyền tiên phong ở Việt Nam, ra mắt từ cuối năm 2019, ứng dụng Voiz FM (Công ty TNHH công nghệ WeWe) hiện có hơn 1.000.000 lượt tải, với khoảng 100.000 người dùng tích cực mỗi tháng. Năm 2021, ứng dụng này đã đạt mốc tăng trưởng gấp 50 lần, với kho nội dung được cho là có số lượng phong phú hàng đầu hiện nay với gần 2.000 nội dung chất lượng cao, có bản quyền.
Ông Lê Hoàng Thạch, CEO ứng dụng sách nói Voiz FM chia sẻ: “Với Voiz FM, văn hóa đọc cần gắn với nhu cầu người dùng. Ở Việt Nam, lượt tìm kiếm về sách nói cao, thể hiện nhu cầu của người dùng. Vì vậy, Voiz FM được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Nếu không có thời gian thì hãy để một người khác đọc cho bạn, đây là chiến lược của Voiz FM”.
Tương tự ra đời giữa năm 2020, hiện ứng dụng sách nói Fonos của Công ty cổ phần Fonos đã có hàng trăm tựa sách có bản quyền từ các đơn vị xuất bản uy tín trên cả nước, với khoảng 100.000 người dùng.
Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người dùng
Số lượng người dùng ngày càng tăng là minh chứng cho thấy sách nói là hướng đi đúng đắn, cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu độc giả, vừa góp phần phát triển kinh tế số trong lĩnh vực xuất bản. Tuy nhiên để thu hút người dùng các ứng dụng sách nói phải đầu tư chu đáo, chuyên nghiệp cho mỗi cuốn sách, từ khâu chọn sách, đến tìm giọng đọc, thu âm, biên tập, đặc biệt là vấn đề bản quyền.
Chia sẻ về vấn đề này, CEO ứng dụng sách nói Voiz FM Lê Hoàng Thạch cho biết, độc quyền là bảo vệ quyền lợi mọi người. Giai đoạn đầu Voiz FM tập trung phát triển sản phẩm, ứng dụng, cần sự đầu tư lớn từ chiến lược độc quyền. Trong thị trường nhỏ, độc quyền sẽ giúp mình tập trung phát triển những điều thị trường cần, mở rộng văn hóa đọc của người Việt Nam. Giai đoạn hai khi mà thói quen người dùng phổ biến, Voiz FM cũng sẽ định hướng tạo cơ hội mở rộng sản phẩm sách nói. Những con số đạt được từ khi ra mắt đến nay của ứng dụng Voiz FM đã cho thấy định hướng này.
“Thực tế từ năm 2020 đến nay, Voiz FM đã thay mặt đối tác báo cáo và gỡ bỏ hơn 50.000 nội dung vi phạm bản quyền trên các nền tảng lớn, thể hiện mạnh mẽ cam kết đối với những bản quyền mình nắm giữ. Song song đó, Voiz FM cũng tập trung đầu tư vào chất lượng thu âm và lập trình ứng dụng để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Từ đó, Voiz FM đã có thể hợp tác với những đơn vị xuất bản lớn trong nước như Nhà xuất bản Kim Đồng, First News, Nhã Nam, Alpha Books, Thái Hà... và thậm chí đã bắt đầu mở rộng hợp tác với các đối tác ở Mỹ, Nhật, Châu Âu...”, CEO ứng dụng sách nói Voiz FM Lê Hoàng Thạch chia sẻ.
Song song với đó việc phát triển văn hóa đọc cộng đồng đi cùng sách nói cũng đòi hỏi nhiều thử thách. Theo ông Nguyễn Nguyên, (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông) hiện tại phát triển sách nói còn nhiều rào cản, đội ngũ sản xuất chưa đủ mạnh mẽ, hành lang pháp lý, đặc biệt là vấn đề là bảo vệ bản quyền, thủ tục, vấn đề đầu tư còn hạn chế.
Trước những thử thách đó các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức, bắt đầu từ các bạn trẻ có niềm đam mê và yêu sách, tiếp đến là phát triển nhân lực để thay đổi diện mạo.
“Ở Việt Nam, 21% dân số đọc sách (tương đương 21 triệu người), nhưng nếu nhìn chiều còn lại, đây là thị trường tiềm năng và cần phát triển hơn nữa, bởi vì còn một thị trường gần 80 triệu người chưa được phục vụ. Chúng ta cần biến những rào cản thành cơ hội, cần nhìn mặt đầy đủ, toàn diện để từ đó chúng ta giải quyết chứ không phải quay đầu lại”, ông Nguyễn Nguyên đánh giá.
Bình luận