Sau hạn tăng lương tối thiểu vùng - nơi điều chỉnh, chỗ giữ nguyên
Đề xuất xây dựng luật về lương tối thiểu vùng Tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/7/2022 |
Sau tăng lương tối thiểu, có nơi điều chỉnh, có chỗ giữ nguyên lương tối thiểu của NLĐ. Ảnh mang tính minh họa. PV |
Với hơn 80.000 lao động tại các KCN, trong đó trên 95% làm việc trong DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại tỉnh Thái Nguyên thì việc điều chỉnh lương tối thiểu từ 1.7 không có quá nhiều biến động. Bởi hiện tại lương của NLĐ khu vực này đã cao hơn hoặc bằng so với mức tối thiểu vùng mới tăng thêm.
Theo chị Trần Thị Vân, Kế toán - nhân sự cho 1 công ty FDI tại KCN Sông Công 1, lương cơ bản của NLĐ tại công ty hiện dao động từ 4,2 - 4,4 triệu đồng/người/tháng. Do đó, so với mức lương tối thiểu mới 4,16 triệu đồng phía công ty vẫn bảo đảm bằng và vượt quy định.
Hầu hết doanh nghiệp FDI tại các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều đang trả NLĐ với mức lương cao hơn lương tối thiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay, tổ chức công đoàn tại DN đều đang đề xuất DN tăng lương cho NLĐ.
Nhiều doanh nghiệp FDI không áp dụng tăng lương cho NLĐ nhưng vẫn đảm bảo theo quy định mới là do từ năm 2021 quy định lương tối thiểu vùng phải tăng cao hơn ít nhất 7% đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề. Theo đó, gần như 100% NLĐ tại các KCN đều đã được trả lương tối thiểu vùng cao hơn 7%.
Trong khi đó, khối DN trong nước có sự biến động về mức lương cho NLĐ sau khi lương tối thiểu vùng tăng. Các DN đã tiến hành rà soát từng vị trí việc làm, chức danh để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Ngô Quang Bình - Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công, Thái Nguyên) cho biết, lương tối thiểu vùng tăng lên 6% thì lương của 100% NLĐ được ký hợp đồng lao động với Công ty cũng tăng tương ứng 6%. Hợp đồng lao động mới với NLĐ đã được hoàn thiện và gửi BHXH từ trước 1.7.
Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc các Hợp tác xã nông, lâm nghiệp thì câu chuyện tăng lương tối thiểu cho người lao động cũng là một áp lực. Bởi quỹ lương tại những đơn vị này thường khá hạn hẹp.
Theo ông Bùi Thanh Tuân - GĐ Công ty Sơn Tùng (Tuyên Quang), qua rà soát thì vẫn còn một lượng công nhân tại một số vị trí việc làm đang có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại NĐ38/2022. Việc tăng lương cho NLĐ là đương nhiên và vẫn đang cân đối các chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng: “Tăng lương để đáp ứng yêu cầu của giá cả hiện nay, giúp NLĐ cải thiện cuộc sống và gắn bó với DN nhưng cũng là áp lực đặc biệt trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao. Phải tiết giảm và điều chỉnh lại sản xuất thôi”.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động phát triển sản xuất kinh doanh” (26.4) ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, tăng lương sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh. Việc này giúp NLĐ có thêm động lực làm việc với năng suất cao hơn tạo đà cho DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh và bền vững hơn.
Còn ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội - nhận định: “Yếu tố hàng đầu để giữ chân NLĐ chính là thu nhập và tiền lương. Vì vậy, điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng lên hợp lý sẽ là “lợi ích kép”.
NLĐ có động lực để làm việc tốt, gắn bó với DN thì là điều có thể nhận thấy nhưng DN sẽ có cái lợi dài hơn rất nhiều. Đó là giải quyết được hài hòa mối quan hệ lao động trong DN, về lâu dài sẽ có lợi cho quá trình sản xuất, hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiết hụt lao động”.
Theo Nguyễn Tùng/laodong.vn
Bình luận