TP.HCM: Nghiên cứu mở rộng các tuyến đường thu phí đỗ xe ô tô Tránh rủi ro pháp lý khi mua xe ô tô cũ Siết quản lý thuế đối với xe nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại Dự kiến mức giá khởi điểm đấu giá biển xe ô tô “đẹp”

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đã trình bày các nội dung chính và các điểm mới của dự thảo Nghị định, trong đó có nhiều điểm mới về tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô chức danh, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, sử dụng xe ô tô chuyên dùng,…

Về tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô chức danh, Dự thảo Nghị định tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm như quy định hiện hành và giữ nguyên chế độ sử dụng xe ô tô. Trong đó, nhóm 2 có điều chỉnh lại phạm vi các chức danh, chức vụ cho phù hợp với Kết luận 35-KL/TW. Đồng thời, Dự thảo quy định mỗi bậc thuộc các nhóm chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35-KL/TW được quy định 1 mức giá mua xe tối đa khác nhau, từ cao xuống thấp.

Sửa đổi quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi về Bộ Tài chính.

Về danh mục xe ô tô phục vụ công tác chung, Dự thảo Nghị định đã chuyển xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù (thực chất là xe ô tô từ 4 đến 16 chỗ thông thường) từ xe chuyên dùng (theo quy định tại Nghị định số 04) sang xe ô tô phục vụ công tác chung để quy định cụ thể định mức, tối ưu hóa mục đích sử dụng và tần suất sử dụng xe ô tô (vừa sử dụng để đi họp, đi công tác, vừa sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù).

Về cách xác định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Dự thảo Nghị định tách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ/Tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh ra khỏi khối quản lý nhà nước để xác định định mức. Lý do các đơn vị này đang thực hiện tự chủ với yêu cầu ngày càng cao, từng bước có thể tự bảo đảm nguồn kinh phí để trang bị xe. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp được áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thì các bộ, địa phương tự quyết định định mức (trừ xe chức danh) và không dùng ngân sách nhà nước để mua xe.

Dự thảo cũng quy định định mức của từng nhóm đơn vị như nhóm sự nghiệp công lập trực thuộc Cục/sở/ngành, nhóm Vụ, Cục và tương đương thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương; Vụ, Cục, Ban và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Tổng cục; sở, ban, ngành cấp tỉnh; nhóm Văn phòng cấp tỉnh (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội); nhóm cơ quan, đơn vị của Đảng ở cấp tỉnh (trừ đơn vị sự nghiệp của Đảng); nhóm các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện,...

Quy định về giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung đã được duy trì từ năm 2010 cho đến nay. Trong bối cảnh, thời gian sử dụng của xe ô tô theo chế độ đã được điều chỉnh từ 10 năm thành 15 năm, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để xe lưu thông với vận tốc cao, đồng thời giá mua xe hiện nay đã có biến động tăng so với năm 2010.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho xe và người sử dụng xe, việc điều chỉnh giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung là cần thiết. Qua khảo sát giá mua mới xe ô tô năm 2010 và năm 2022 của dòng xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung, Dự thảo Nghị định quy định mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; trường hợp cần trang bị loại xe ô tô 7-8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1,3 tỷ đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1,6 tỷ đồng/xe.

Sửa đổi quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công
Toàn cảnh Hội nghị.

Để bảo đảm đúng tính chất chuyên dùng của xe ô tô, Dự thảo Nghị định giữ lại 5/7 loại xe chuyên dùng quy định tại Nghị định số 04 gồm: xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế; xe ô tô có kết cấu đặc biệt; xe gắn thiết bị chuyên dùng hoặc gắn biển hiệu nhận biết theo quy định của pháp luật; xe ô tô tải; xe ô tô trên 16 chỗ ngồi; chuyển 2 loại xe có tính chất lưỡng tính (xe bán tải và xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù) sang xe ô tô phục vụ công tác chung. Riêng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế được “nghị định hóa” từ quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BYT của Bộ Y tế.

Dự thảo kế thừa các phương thức bảo đảm phương tiên đi lại phục vụ công tác tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP (trang bị xe, thuê dịch vụ và khoán kinh phí sử dụng xe ô tô). Việc quyết định sử dụng theo phương thức nào sẽ do các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhu cầu sử dụng xe ô tô và điều kiện thực tế để quyết định cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cơ bản thể hiện sự đồng tình với sự cần thiết phải ban hành, bố cục, mục tiêu, quan điểm và nội dung của Dự thảo Nghị định, khái quát tình hình của các bộ/ngành/địa phương có liên quan đến nhu cầu sử dụng xe ô tô, tình hình triển khai Nghị định số 04/2019/NĐ-CP trong thời gian vừa qua và những khó khăn, vướng mắc phát sinh; trên cơ sở đó, đã có ý kiến tham gia góp ý một số vấn đề về nội dung cũng như kỹ thuật văn bản.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn ngày 30/9; giao Cục Quản lý công sản cùng với Vụ Pháp chế và các đơn vị chức năng trong Bộ tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến tại Hội nghị hôm nay và các ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện hồ sơ gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, bảo đảm tính khả thi của Dự thảo.

Bảo Thoa