Sửa đổi thuế thu thập cá nhân đã rất cấp thiết
Công nhân, người lao động mỏi mòn chờ đợi tiền hỗ trợ thuê nhà Tiếp tục thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt |
Minh họa của ĐAN |
Chật vật với "bão giá"
Từ đầu năm đến nay, vấn đề co kéo chi tiêu luôn khiến chị Nguyễn Việt Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải đau đầu. Vật giá tăng lên chóng mặt cộng với những dư chấn sau dịch bệnh làm cho thu nhập của một nhân viên văn phòng như chị rơi vào bài toán nan giải.
"Từ thịt cá, trứng, sữa, thứ gì cũng tăng lên 10 - 20%, có thứ còn tăng lên gấp đôi so với trước. Chưa kể tôi còn có cháu thứ hai năm nay vào đại học, lại phải lo một khoản để nộp học phí. Đó còn là chưa kể những khoản chi khác như hiếu hỉ, khám bệnh, lo cho hai bên nội ngoại. Trước đây thu nhập hai vợ chồng khoảng 40 triệu đồng, còn để được ra chút tiết kiệm chứ như bây giờ thì chịu" - chị Việt Hà cho hay.
Đó cũng là những tâm tư của anh Nguyễn Đức Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi nói về cơn "bão giá" hiện nay. Suốt khoảng 2 năm dịch bệnh, gần như khoản thu nhập của gia đình anh Hưng chỉ vừa đủ chi cho sinh hoạt hằng ngày. Nhưng dù vậy, đều đặn hằng tháng, anh Hưng vẫn phải gửi tiền về cho bố mẹ già ở quê nhà tại Bắc Giang.
"Ông bà ở quê cũng già, chi phí lo sinh hoạt rồi thỉnh thoảng thăm khám cũng phát sinh thêm. Nhắc đến tiền thuế lại thấy sốt ruột, giảm trừ gia cảnh giờ không được nhiều, không hề phù hợp với thực tế "bão giá" hiện nay. Có khi đóng tiền một học kỳ cho con là hết" - anh Nguyễn Đức Hưng nói.
Việc hàng hóa liên tục tăng giá thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 đến nay.
Theo đó, CPI năm 2020 tăng 3,23%, năm 2021 tăng 1,84% và 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,54%.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,2 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng nhưng do dịch COVID-19 nên thu nhập có xu hướng giảm dần. Chi đời sống chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình.
Trong bối cảnh đó, vấn đề bất cập của Thuế TNCN thời gian qua đã nhận được nhiều phản ánh. Trong đó, cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà và quy định về mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp thực tế là những nhức nhối nổi bật.
Trả lời gần đây, Bộ Tài chính cho hay, với Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Dù vậy, trao đổi với PV Báo Lao Động, nhiều người lao động bày tỏ ở vào bối cảnh "bão giã" như hiện tại, mức giảm trừ 11 triệu đồng mỗi tháng cho người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là đã quá lỗi thời, không bắt kịp với sự phát triển và đặc biệt là không đủ để người dân có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu hằng ngày, nhất là ở các đô thị lớn.
Trong một báo cáo gửi trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng đã lên tiếng về bất cập này: “Đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thuế TNCN theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc phù hợp với thực tế hiện nay”.
Bất cập tồn tại cả chục năm
Không chỉ với những cá nhân làm công ăn lương bình thường, thuế TNCN cho hộ kinh doanh cũng đang bộc lộ những hạn chế.
Theo quy định hiện nay, cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN khi có tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, tương đương bình quân thu nhập mỗi tháng hơn 8,3 triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, quy định thu nhập trên 100 triệu đồng/năm đã tồn tại gần 10 năm nay chưa được thay đổi. Điều này tạo ra sự bất hợp lý với những cá nhân kinh doanh.
Trong thời gian đó, mức giảm trừ gia cảnh đã có sự điều chỉnh từ mức 4 triệu đồng lên 11 triệu đồng cho người nộp thuế; người phụ thuộc từ 1,6 triệu là 4,4 triệu đồng.
"Nhưng quy định chịu thuế nếu thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải chịu thuế vẫn tồn tại suốt thời gian ấy mà không có sự cập nhật nào cả" - luật sư Quách Thành Lực cho hay.
Ngoài ra, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - phân tích, nên rút gọn biểu thuế 7 bậc hiện nay bởi đang quá dày đặc và gây khó hiểu cho người dân. Ông Thịnh kiến nghị, biểu thuế TNCN còn 3 bậc, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 đến 100 triệu đồng/tháng và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên.
Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%.
Đồng thời, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí lên 18-20 triệu đồng/tháng, bởi khi giá cả thị trường đã tăng lên thì mức 11 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp.
Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng.
Đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế TNCN Về phía Bộ Tài chính, đơn vị này cho biết, đang nghiên cứu lấy ý kiến góp ý để sửa đổi Luật Thuế TNCN. Cơ quan chức năng đang xây dựng đề cương báo cáo nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi luật này. Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu đánh giá theo từng nhóm vấn đề gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh... |
Theo
Bình luận