Phát triển Khu kinh tế Vân Phong thành động lực của vùng Nam Trung Bộ Đầu tư hơn 84 nghìn tỷ đồng xây dựng 3 tuyến cao tốc mới tại Nam Bộ và Tây Nguyên Central Retail đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc sản từ các tỉnh Tây Nguyên

Thời gian qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã triển khai nhiều nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; trong đó, chú trọng công tác thay đổi tư duy, phát huy tính chủ động của cộng đồng dân cư.

Xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng một trong những xã vùng dân tộc thiểu số sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng một trong những xã vùng dân tộc thiểu số sớm đạt chuẩn nông thôn mới.

Riêng hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Những yếu tố đó đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được hình thành và lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô (Kon Tum) hôm nay đã khác, mầu xanh cây trái và những ngôi nhà khang trang đã thay mầu sạm cháy trước đây. “Nhờ các cấp, các ngành giúp dân làng mình thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, cho nên buôn làng hăng say sản xuất, cùng nhau vươn lên làm giàu”, anh A Ngìn phấn khởi.

Trước đây, gia đình A Ngìn có 3ha trồng sắn nằm lưng chừng đèo Văn Rơi, nối huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông. Dù chăm chỉ làm lụng quanh năm, nhưng cuộc sống gia đình anh luôn túng thiếu, bởi trồng sắn cho thu nhập thấp. Khi được dự các buổi tuyên truyền về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm…” theo chủ trương của Tỉnh ủy Kon Tum, A Ngìn quyết định thay đổi tư duy, phát triển kinh tế.

Được cấp giống sâm dây, A Ngìn phá bỏ 1ha sắn để trồng loại dược liệu này theo tiêu chuẩn hữu cơ. “Được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật và có đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, nên mình yên tâm sản xuất. Khi mô hình thành công, mình tuyên truyền cho bà con trong làng làm theo để cùng vươn lên”, A Ngìn chia sẻ.

Xác định rõ cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” sẽ góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo của tỉnh, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai và tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã xây dựng lộ trình cụ thể, tranh thủ vai trò, trách nhiệm, uy tín của hơn 2.000 cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.

“Người dân làng Jrăng Krái đã biết hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, chung sức xây dựng các công trình chung, như điện chiếu sáng các tuyến đường, nhà văn hóa, nhà rông”, già làng Rơ Lan Kai (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) cho biết.

Với mong muốn giúp người dân thay đổi thói quen chăn nuôi gia súc thả rông, nhốt dưới gầm nhà sàn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, già Kai đã đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động. Gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, từ xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh đến làm hàng rào, hiến đất làm đường...

Nhờ các cấp, các ngành giúp dân làng mình thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, cho nên buôn làng hăng say sản xuất, cùng nhau vươn lên làm giàu.

Anh A Ngìn ở làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Tại buôn Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông (Đắk Lắk), gia đình chị H’Brơit Mlô được xem là điểm sáng trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình. Gia đình H’Brơit có 5 sào đất mỡ màu, bao năm nay chỉ trồng cây sắn và một số cây ngắn ngày, cùng với chăn nuôi heo thả rông theo tập tục của người Ê Đê, nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy trực tiếp về tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các loại cây giống như cây mít, dứa, thanh long và heo giống, xây dựng chuồng trại; đồng thời cầm tay chỉ việc cho gia đình H’Brơit. Đến nay, vườn trái cây đang sinh trưởng tốt, cặp heo giống đã đẻ được ba lứa, giúp gia đình H’Brơit thoát nghèo.

“Giờ mình đã “sáng” ra nhiều điều, lâu nay đói nghèo là do không biết cách canh tác và chăn nuôi. Mình làm thành công rồi thì vận động bà con làm theo dễ lắm”, H’Brơit nói.

Yang Reh là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, toàn xã có 1.300 hộ với hơn 6.400 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40%. Từ trước đến nay bà con dân tộc thiểu số đều sản xuất, chăn nuôi theo tập quán cũ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Yang Reh Vũ Văn Cường, để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, xã đã ban hành chương trình tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

“Kết quả đạt được bước đầu rõ rệt, nhất là nhiều gia đình đã biết tự trồng rau xanh, chăn nuôi trong vườn, không phải vào rừng hái lượm, săn bắn như trước”, ông Cường thông tin.

Dưới chân núi LangBiang, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), diện tích rau, hoa công nghệ cao đã thay cho những cánh đồng lúa một vụ kém hiệu quả trước đây. Những người tiên phong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như Păng Ting Sin, được ví là “triệu phú hoa hồng”; Cil Nôm trồng rau sạch, Krajan Théo nổi tiếng với hoa cẩm chướng…

“Nhờ cán bộ, chính quyền vận động và qua các mô hình mẫu, dân làng mình đã thay đổi tư duy làm nông. Giờ nhiều hộ trở nên giàu có. Hiện toàn huyện đã có 500ha hoa và khoảng 1.000ha rau công nghệ cao”, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Bon Đơng 1, thị trấn Lạc Dương Păng Ting Sin chia sẻ.

Lâm Đồng là tỉnh tốp đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chương trình này đã lan tỏa mạnh mẽ đến vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S thông tin: “Đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng chiếm hơn 25,7% dân số. Thời gian qua, tỉnh giao cơ quan chức năng thực hiện chuyển đổi số, thông qua việc tổ chức tập huấn, thực hiện các đề tài khoa học, dự án nông thôn miền núi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận khoa học-công nghệ và áp dụng vào sản xuất, thay đổi đời sống”.

Tập trung phát triển vùng dân tộc thiểu số

Trên vùng đất Tây Nguyên gồm năm tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, với diện tích tự nhiên khoảng 55.000km2, là ngôi nhà chung của hơn 5 triệu người với 47 dân tộc; khắp các phố thị, buôn làng, cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Triển khai các chương trình, cuộc vận động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, đã góp phần làm thay đổi rất lớn bộ mặt các buôn làng và đời sống nhân dân. Hiện tỉnh Lâm Đồng đã có 73/77 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2021, vùng đồng bào dân tộc đạt thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng.

Tỉnh Đắk Nông có 35/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh hơn 52 triệu đồng. Tại tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã tuyên truyền, vận động gần 13.000 hộ nghèo, cận nghèo tham gia thực hiện hơn 680 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, qua đó tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm còn 17,4%, theo tiêu chí mới; đời sống người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số đã nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt hơn 54,5 triệu đồng.

Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm tại Kon Tum đã huy động hơn 18 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ 1.357 hộ nghèo, 897 hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất; hơn 8.660 hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; 3.948 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Sức sống mới trên những buôn làng Tây Nguyên ảnh 1
Ông Nay Hoa (bên phải) là hộ dân Jrai đầu tiên phát triển đàn dê quy mô khá lớn ở xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Tại tỉnh Gia Lai, qua 10 năm triển khai cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng 400 mô hình trên các lĩnh vực và nhân rộng 398 mô hình, với 18.274 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện. Qua đó, giúp hơn 29,5 nghìn hộ thoát nghèo.

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, năm 2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030; với tổng nguồn vốn giai đoạn một 2021-2025 tối thiểu là 137.664 tỷ đồng.

Từ các chương trình, nghị quyết của Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên đã ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; cùng các chiến lược về công tác dân tộc, nhằm nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng đồng bào dân tộc so với bình quân chung từng tỉnh.

Tháng 6/2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 16 về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh, giai đoạn 2022-2030. Trong đó, tập trung nguồn lực, giải pháp đột phá, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số đạt 84 đến 87 triệu đồng.

UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt danh mục dự án đầu tư năm 2022, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; với 10 dự án đầu tư, tổng vốn thực hiện gần 324 tỷ đồng. Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số mỗi năm giảm hơn 3%; đến năm 2030, 70% số xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, với nguồn vốn hơn 2.250 tỷ đồng. Cùng chương trình đó, UBND tỉnh Gia Lai đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, mức thu nhập bình quân vùng dân tộc thiểu số của tỉnh tăng gấp 2 lần so với năm 2020; triển khai 10 dự án nhằm nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Biểu Hòa Lý - Yên Bảo Thắng/nhandan.vn

https://nhandan.vn/suc-song-moi-tren-nhung-buon-lang-tay-nguyen-post717186.html