Tài chính thông minh: Ưu nhược điểm của 4 nguồn vay mua nhà bạn nên biết Phí bảo hiểm tiền gửi - nguồn lực quan trọng để bảo vệ người gửi tiền

1. Không mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro

Bảo hiểm chính là chiếc tay vịn lan can trong tài chính cá nhân. Tay vịn cầu thang giúp bạn khỏi ngã, bảo hiểm cũng vậy, không phải để bạn làm giàu mà là để bảo vệ khi gặp rủi ro.

Theo chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), bảo hiểm y tế nên có hàng năm, chúng ta có thể mua riêng bảo hiểm y tế, hoặc mua bảo hiểm nhân thọ có tích hợp các bệnh hiểm nghèo. Bảo hiểm nhân thọ nên mua càng sớm càng tốt, khi đó chi phí sẽ thấp và thời gian bảo vệ dài hơn. Còn bảo hiểm hưu trí nên mua trước thời điểm nghỉ hưu từ 10-20 năm, nhưng cũng càng sớm càng tốt để có một tuổi già an toàn tài chính.

2. Ham làm giàu nhanh

Nhiều người đầu tư vào những dự án hứa hẹn lãi suất cao mà không hiểu hết rủi ro rất cao của nó. Thậm chí còn có người cố tình đầu tư vào những dự án biết rõ là có nguy cơ lừa đảo.

Các chuyên gia luôn nhấn mạnh rằng không bao giờ có một bữa trưa miễn phí. Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao. Bạn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách học và hiểu rõ những nơi mình đang đổ tiền vào. Cũng đừng quên đầu tư vào chính bản thân mình bởi kiến thức có thể giúp bạn mang về lợi nhuận cao hơn.

Nếu chưa biết cách đầu tư, đừng vội vàng mà hãy tập trung vào khoản tiết kiệm của mình.

3. Đầu tư mù quáng, chạy theo lợi nhuận

Vẫn là nguyên tắc quan trọng là không bao giờ có một bữa trưa miễn phí. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư vào một sản phẩm nào, chúng ta nên tìm hiểu những điều sau:

Một là cơ sở pháp lý của sản phẩm, Nhà nước và pháp luật có bảo vệ chúng tay không? Hai là hạn mức tín dụng, độ tin cậy của người giữ tài sản mà ta đã đầu tư. Thứ ba là những rủi ro tiềm ẩn của tài sản sản phẩm đó và cách giảm thiểu, quản lý rủi ro này.

4. Chưa hiểu về sức mạnh lãi suất kép

Nhiều người chưa biết dùng tiền sinh ra tiền hay sức mạnh thần kỳ của lãi suất kép. Chìa khoá của lãi suất kép nằm ở không rút lãi liên tục mà để chúng sinh sôi nảy nở. Thời gian càng dài thì tỉ suất sinh lợi càng cao, số tiền chúng ta nhận được càng lớn. Vì thế mỗi người nên học đầu tư càng sớm càng tốt.

5. Nghĩ mình không thể có số tiền lớn

Các chuyên gia tài chính thông minh cho rằng tất cả chúng ta đều có thể tạo ra một số tiền lớn nếu làm theo công thức sau: tiết kiệm và đầu tư đều đặn, sau một thời gian dài chúng ta sẽ có cả một gia tài.

Ví dụ: Ngoài khoản tiền gửi ban đầu là 10 triệu đồng, bạn dành ra 100.000 đồng mỗi tháng từ tiền lương và đều đặn bỏ vào quỹ đầu tư của mình. Với lãi suất 9%/năm, số tiền 10 triệu đồng ban đầu sẽ tăng lên gần 120 triệu sau 20 năm. Rồi 30 năm sẽ lên 304 triệu và sau 40 năm sẽ lên tới 739 triệu đồng.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock

6. Bắt chước bỏ tiền vào trái phiếu, vàng, ngoại hối...

Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki chia chúng ta thành 4 nhóm người theo nghề nghiệp: Làm thuê, làm tư, chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nếu không thuộc nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp mà là một trong 3 nhóm còn lại thì chúng ta chỉ là nhà đầu tư nghiệp dư. Nhà đầu tư nghiệp dư không nên bỏ tiền vào những công cụ như lướt sóng chứng khoán, vàng tài khoản hay forex; những sản phẩm bất động sản phức tạp và những công cụ mà chúng ta không nắm rõ.

7. Vay rất nhiều để đầu tư

Trong đầu tư và kinh doanh, vay còn được gọi là đòn bẩy tài chính. Đây là một công cụ hiệu quả được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng. Nếu chúng ta đạt tỉ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền vay thì vốn của chúng ta sinh sôi nảy nở. Nhưng nếu bị rủi ro, tỉ suất sinh lợi thấp hơn lãi suất tiền vay thì số vốn sẽ bị thâm hụt.

Để quản lý tài chính thông minh, mỗi người nên vay tiền ở mức hợp lý, không vượt quá mức 50% số vốn hiện có.

8. Cứ có lãi là rút

Theo ông Lâm Minh Chánh - Sáng lập và Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni, danh mục đầu tư có thể ví như nhà máy sản xuất tiền với 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu là giai đoạn tích lũy tiền, chúng ta cần nạp tiền vào nhà máy càng nhiều càng tốt. Ở giai đoạn tích lũy, chúng ta không nên rút lãi. Hành động này sẽ giảm hiệu ứng của lãi suất kép và làm chậm quá trình tích lũy của nhà máy sản xuất tiền. Giai đoạn được sử dụng là lúc chúng ta rút lãi để tiêu và giữ lại tiền gốc. Giai đoạn tận dụng là khi bạn rút lại một phần tiền gốc.

9. Mơ màng về mục tiêu của tài chính cá nhân

Theo các chuyên gia, 4 cấp độ của tài chính cá nhân từ thấp đến cao gồm: an toàn, đảm bảo, độc lập và tự do.

Với cấp độ thấp nhất là an toàn tài chính, quỹ tài chính cá nhân đủ để cung cấp các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, tiện ích, ăn uống, đi lại... cho chúng ta trong 1 năm mà không cần phải làm việc.

Cấp độ cao nhất là tự do tài chính. Khi đó, quỹ tài chính cho từng cá nhân đủ để cung cấp cho chúng ta một cuộc sống hơn cuộc sống hiện tại mà không cần phải làm việc.

10. Cho rằng con tiêu tiền sớm là hư

Quản lý tiền bạc là trong những công việc khó nhằn và quan trọng đối với cuộc sống nhưng hầu như không được dạy ở trường lớp. Đa số cha mẹ cũng không chủ động dạy con cái vì sợ tiền làm hư con.

Tuy nhiên quan điểm này cần thay đổi. Người Do Thái dạy con về tiền khi trẻ bắt đầu nhận biết được các chữ số. Họ lập tài khoản ngân hàng cho con và chỉ con cách áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ. Hiện nay tại Việt Nam, trước khi con đi du học, một số gia đình đã quyết định thuê người lên kế hoạch tài chính để dạy con cách dùng tiền trước khi bay tới nơi xa.

Khi đó cuộc sống của con cái chúng ta sẽ trở nên dễ dàng, những công việc khác trong cuộc sống của con cũng trở nên dễ giải quyết hơn. Nếu coi dạy con sớm về tiền là một món đầu tư thì lãi suất sẽ rất hấp dẫn.

Theo Đức Mạnh/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-te/tai-chinh-thong-minh-giau-len-moi-ngay-nho-thay-doi-10-quan-diem-1056381.ldo