Sắp đấu giá 12 thửa đất gần 1.200m2 gần sân bay Nội Bài Lý giải nguyên nhân lần đầu giá dầu cao hơn giá xăng

Ngày 3/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở Tư pháp, các cơ quan có liên quan, các tổ chức đấu giá tài sản các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016, đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản. Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.

Các tổ chức đấu giá tài sản đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, phát triển về quy mô, tính chuyên nghiệp. Tỷ lệ đấu giá thành chiếm tỷ lệ lớn, giá trúng đấu giá cao hơn, thậm chí có những cuộc đấu giá có giá trúng cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, trong đó các cuộc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất... đã tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Tăng cường đấu giá trực tuyến để nâng cao tính minh bạch, khách quan

Toàn cảnh Hội nghị.

Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 58/63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ tháng 7/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thù lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.096 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng.

Còn theo số liệu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, kể từ thời điểm Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành đến nay, hoạt động đấu giá tài sản khác như quyền khai thác khoáng sản cũng đạt nhiều kết quả tích cực như có 32/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên 500 khu vực khoáng sản, trong đó đã có 18/41 tỉnh, thành phố tổ chức đấu giá thành công, tổ chức đấu giá trên 232 khu vực. Với giá trị trúng đấu giá tăng từ 1,5 - 2 lần so với giá khởi điểm...

Hầu hết, các cuộc đấu giá tài sản công được thực hiện bởi các tổ chức đấu giá (chỉ một số ít được thực hiện bởi Hội đồng đấu giá tài sản) qua đó tính chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản được tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của các loại tài sản công, bao gồm cả các loại tài sản công tại doanh nghiệp, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước, kho số viễn thông tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản vẫn còn một số bất cập, hạn chế cả về thể chế và thực tiễn, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản, tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp...

Đại diện Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thời gian lưu trữ hồ sơ theo luật 5 năm là quá ngắn. Vì trong một số trường hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra, truy tố, có một số tổ chức đấu giá tài sản đã chấm dứt hoạt động và không thực hiện chuyển giao hồ sơ đấu giá tài sản, nên rất khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, trên cơ sở các ý kiến tham luận, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản cần xác định rõ hơn phạm vi áp dụng, mối quan hệ với các luật khác; quy định rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục, có thể theo hướng phân tách thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án, bán tài sản công với bán tài sản theo yêu cầu; chú trọng và tăng cường đấu giá trực tuyến để nâng cao tính minh bạch, khách quan...