Lý giải nguyên nhân lần đầu giá dầu cao hơn giá xăng
Kiểm soát giá để hoá giải áp lực lạm phát cuối năm Không để gián đoạn nguồn cung xăng, dầu dịp cuối năm |
Chiều 6/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, nhận định về việc lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng sau kỳ điều hành xăng dầu ngày 5/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nguyên nhân trước hết tại thị trường thế giới từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột giữa Nga-Ukraine thì nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm nên nhu cầu đối với dầu hỏa và dầu diesel tăng, nhằm thay thế nhu cầu về khí đốt, dẫn đến giá sản phẩm dầu tăng khá cao, nằm ở mức tương đương hoặc cao hơn so với giá xăng.
Những tháng gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng tăng vào mùa lạnh, mùa đông và nhu cầu người dân đang dần chuyển sang dầu khi giá năng lượng tăng cao thì giá dầu đã tăng khá mạnh và cao hơn nhiều so với giá xăng. Hiện nay, trung bình trên thế giới bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng. Còn ở trong nước, trong cơ cấu giá xăng và dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh cũng rất khác nhau.
Thực tế cho thấy, nhu cầu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0-0,72%, thuế nhập khẩu xăng bình quân là 9,7%, thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0% và xăng là 8-10%. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn tăng cao hơn so với giá dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí những vấn đề liên quan đến điều hành giá xăng, dầu. Ảnh: VGP/Quang Thương |
Về góc độ điều hành giá xăng dầu cùng với Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng 2 loại giá này đều cao. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết mong muốn giá thấp hơn nữa sẽ tốt hơn cho là doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người dân, người tiêu dùng.
Bộ đã báo cáo Thủ tướng có chính sách hỗ trợ và ngày 12/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về nghiên cứu các kiến nghị, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.
Có ý kiến cho rằng trong 7 kỳ điều hành xăng dầu gần nhất, nhà điều hành đã thực hiện trích lập khoảng gần 4.500 đồng cho mỗi lít xăng và khoảng 1.800 đồng cho mỗi lít dầu. Việc trích lập cao như vậy có gây thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp hay không, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với chi phí đầu vào tăng cao và người dân đối mặt diện mặt bằng giá cả mới?
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ý kiến chi gần 4.500 đồng cho mỗi lít xăng và khoảng 1.800 đồng cho mỗi lít dầu, cách hiểu như này là chưa đúng. Trong mọi trường hợp chi bao nhiêu sẽ có con số và bộ máy kiểm tra kiểm soát.
Giải đáp câu hỏi liệu có gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp hay không, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng hiện nay công tác điều hành giá xăng dầu được liên Bộ Công Thương-Tài chính phối hợp rất chặt chẽ và Việt Nam là một trong những nước được đánh giá là bảo đảm được nguồn cung năng lượng, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu tương đối tốt.
Làm rõ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phân tích về quỹ bình ổn xăng dầu, đây rõ ràng gọi là quỹ thì khi cần trích và chi nhưng quan trọng là trích lúc nào và chi lúc nào. Có những lúc phải chi liên tục để giảm giá xăng, dầu, giảm bớt sự biến động của kỳ điều hành.
Ví dụ, 8 kỳ chi liên tục từ ngày 21/1/2022 đến kỳ ngày 21/4/2022, sau đó 5 kỳ liên tục từ 1/4/2022 đến 21/6/2022 đều bình ổn giá xăng, dầu trong nước vì khi đó tăng liên tục, chúng ta phải chi liên tục.
Ở đây là giao dịch trên thị trường Singapore là biến động từ 11,38% đến 45,95% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành 22/8 vừa qua, chỉ tăng từ 1,14% đến 40,37%. Đấy là cái lợi của quỹ. Nhưng nếu giảm thì chúng ta lại trích một phần để đưa vào quỹ trong lúc quỹ có giới hạn.
Sau kỳ điều hành xăng dầu ngày 5/9, lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng. |
Một điều hết sức quan trọng ở Việt Nam nếu giá xăng tăng thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng nhưng nếu giá xăng giảm thì các mặt hàng khác lại chưa giảm. Chính vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành đang hết sức giải quyết các vấn đề này. Đấy là tác dụng của quỹ bình ổn.
Quỹ bình ổn là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước và toàn bộ trích lập tham gia việc bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không có cơ chế tài chính riêng.
Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin Bộ đã có 5 quyết định xử phạt áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 thương nhân đầu mối bao gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối theo quy định hiện hành.
Cả 5 doanh nghiệp này nếu đã bị tước quyền theo Điều 9 của Nghị định 83 thì không còn 19 quyền lợi, quyền hạn để họ thực hiện, kể cả việc không được mua xăng, dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác…
Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã báo cáo để thực hiện việc xử lý theo hướng trước mắt sẽ phạt hành chính về tiền. Còn hình thức tước giấy phép sẽ áp dụng trong thời điểm phù hợp.
“Phải căn cứ vào những khó khăn của các doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cho doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào, cùng với đó là nhu cầu sử dụng của 100 triệu người dân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải thích lý do áp dụng thời điểm thích hợp cho việc tước giấy phép với 5 đầu mối kinh doanh xăng, dầu.
Bình luận