Huy động tài chính cho tăng trưởng xanh từ những dự án hữu hình, khả thi Bộ Tài chính đề xuất 4 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu Bộ Tài chính: Trái phiếu doanh nghiệp là “tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm”

Tại phiên thảo luận, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ở góc độ là cơ quan trình các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời trình các cấp có thẩm quyền các chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Trương Bá Tuấn, gói tài khóa hỗ trợ trong năm 2022 lên tới 233 nghìn tỷ đồng, đến hết tháng 10 số thực hiện ước 160 nghìn tỷ đồng. Phân tích rõ hơn về hiệu quả gói hỗ trợ về tài khóa thời gian qua, theo ông Tuấn đó chính là tính kịp thời của chính sách.

Các giải pháp hỗ trợ được xây dựng và triển khai thực hiện trên cơ sở đánh giá tác động kỹ trước khi ban hành, có liều lượng phù hợp với điều kiện và bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, cũng như phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ về thuế đã đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, được triển khai thực hiện quyết liệt; có những biện pháp chưa có tiền lệ, lần đầu được áp dụng ở Việt Nam.

Trong đó, sử dụng đồng thời các biện pháp để giảm trực tiếp nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, nhất là cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và các biện pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để xử lý vấn đề về dòng tiền cho người nộp thuế trong khi không làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước trong năm.

Thảo luận chính sách tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi
Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: BTC)

Các giải pháp hỗ trợ về thuế đã giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả của nhiều nhóm hàng hóa là tư liệu sản xuất tăng cao. Năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã làm giảm đáng kể chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng, dầu.

Tiến sỹ Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 cần phải tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng;

Phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng cường sự bền vững nguồn lực cho ngân sách nhà nước cả về quy mô và cơ cấu thông qua việc tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, phí theo lộ trình đề ra; tăng cường công tác quản lý thu; chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản chi, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển và cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm và phát triển các dịch vụ tài chính. Hoàn thiện khung pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thị trường phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; thúc đẩy việc xây dựng tài chính điện tử và hướng đến nền tài chính số...

Cũng trong phiên thảo luận, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud nhận định, Việt Nam đã phục hồi, kinh tế tăng trưởng mạnh sau đại dịch, thu ngân sách nhà nước tăng. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang chậm lại, các đơn đặt hàng cũng đang giảm.

Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp thận trọng, phối hợp và truyền thông để quản lý rủi ro. Chính sách tiền tệ phải tập trung ổn định giá và giảm áp lực lạm phát. Ổn định tài chính vẫn là mục tiêu phải ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản. Để duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam cần có nỗ lực, quyết tâm trong hành động đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm.

Bảo Thoa