HNX-Index trong tháng 8 tăng 4,25% Nhà đầu tư "hâm nóng" nhóm cổ phiếu bất động sản Một cá nhân bị xử phạt hơn nửa tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu Những mã cổ phiếu nào đang thu hút dòng tiền

Chỉ số VN-Index gần như "rơi tự do" trong những phút cuối cùng, kết thúc phiên giảm 27,9 điểm (tương đương 2,18%) xuống còn 1.254,12 điểm.

Sàn HoSE chứng kiến 378 mã giảm (trong đó 24 mã giảm sàn), 74 mã tăng (8 mã tăng trần) và 50 mã đi ngang. Riêng nhóm VN30 chỉ có mã POW giữ được sắc xanh.

Mặc dù thị trường giảm mạnh nhưng thanh khoản lại tăng cao với 1,25 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch đạt 31.815 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn vượt mức 36.800 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán “đỏ lửa”, VN-Index giảm gần 28 điểm
Thị trường chứng khoán hôm nay giảm mạnh về mức 1.254,12 điểm. (Ảnh chụp màn hình)

Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng mạnh, đặc biệt là mã FPT với giá trị lên tới 590 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh khác bao gồm NLG (64 tỷ đồng), SSI (57 tỷ đồng), HDB (57 tỷ đồng) và VRE (55 tỷ đồng). FPT cũng dẫn đầu về giá trị giao dịch với 1.762 tỷ đồng, theo sau là DGC (1.126 tỷ đồng) và HPG (1.081 tỷ đồng).

Trong phiên giao dịch hôm nay, ngành chứng khoán chịu mức giảm mạnh nhất thị trường với -4,53%, chủ yếu do các mã SSI (-2,54%), VCI (-5,6%), HCM (-5,68%) và MBS (-8,65%).

Ngành khai khoáng và sản xuất nhựa - hóa chất cũng giảm mạnh lần lượt là 4,49% và 4,36%. Ở chiều ngược lại, ngành nông - lâm - ngư tăng mạnh nhất với 2,53%, đặc biệt là các mã HAG (+1,61%), VIF (+9,55%), HKT (+8,7%) và HNG (+6,97%).

Diễn biến của thị trường hôm nay ảnh hưởng bởi thông tin về việc tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock đóng quỹ iShares Frontier and Select EM ETF, quỹ đầu tư nắm giữ lượng lớn cổ phiếu Việt Nam sẽ thanh lý quỹ này vào cuối tháng 3/2025, khiến nhà đầu tư lo ngại về áp lực bán ra trong tương lai.

Ngoài ra, theo các chuyên gia của SSI, thị trường còn đang chịu áp lực từ các sự kiện như đáo hạn phái sinh. Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu tích cực nhẹ, kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trên vùng 1.275 và hướng đến 1.300 điểm trong tuần tới.

Chuyên gia khuyến nghị giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và chờ tín hiệu phục hồi rõ nét hơn. Thị trường hồi phục sẽ là cơ hội để cơ cấu lại các mã cổ phiếu yếu và tập trung vào các mã có triển vọng phục hồi mạnh trong quý II/2024.

Còn về tình hình Margin và dòng tiền, dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán tính đến cuối tháng 3/2024 đạt gần 191,3 nghìn tỷ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tăng 10% so với cuối năm 2023.

Dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu ở mức 54,5%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng quy định, cho thấy room cho vay vẫn còn lớn. Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đến cuối tháng 3/2024 tăng 26% so với cuối năm 2023, lên gần 100.800 tỷ đồng, đây là mức tăng theo quý mạnh nhất trong 5 năm gần đây.

Với tình hình hiện tại, áp lực bán ra để chốt NAV báo cáo quý 2 sẽ không tác động nhiều đến thị trường. Thêm vào đó, nguồn margin và số dư tiền gửi gia tăng sẽ tạo lực cầu mạnh khi giá cổ phiếu điều chỉnh về mức hợp lý.