Thoát nghèo nhờ mô hình Chăn nuôi bò sinh sản
Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng sen trên vùng đất trũng Làm giàu từ phát triển mô hình trang trại tổng hợp |
Thêm sinh kế thoát nghèo cho người dân
Hộ gia đình chị Đỗ Thị Khuyên (thôn 3, xóm Vao, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) là một trong các hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được Trạm khuyến nông huyện Thạch Thất lựa chọn tham gia mô hình Chăn nuôi bò sinh sản của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.
Theo đó, cả hai vợ chồng chị Khuyên đều là người khuyết tật, trong khi đó vợ chồng chị còn phải nuôi 2 con ăn học nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Thu nhập của vợ chồng chị chỉ trông vào việc đi bán hàng từ thiện của chồng và vài sào ruộng.
Nhờ được chăm sóc tốt, bò giống của gia đình chị Đinh Thị Na đã mang thai lứa thứ 3. (Ảnh: Lương Hằng) |
Từ khi tham gia mô hình Chăn nuôi bò sinh sản, chị Khuyên được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, phòng dịch và phối giống. Hiện tại, bò giống nhà chị Khuyên đã sinh sản lứa thứ 2 được 3 tháng.
Nguồn thu nhập từ bán bê đã giúp gia đình chị Khuyên vơi bớt khó khăn. Với lứa bê đầu, vợ chồng chị bán được 16 triệu đồng. Trong đó, vợ chồng chị dành ra 1 khoản để mua xe đạp điện cho con gái lớn đi học, số tiền còn lại vợ chồng chị tiếp tục dầu tư làm ăn, trang trải cuộc sống. Với bản tính chăm chỉ, cần củ, chỉ sau một thời gian ngắn vợ chồng chị Khuyên đã vươn lên thoát nghèo.
Cũng thoát nghèo chỉ sau 2 năm sau khi nuôi bò sinh sản, hộ gia đình chị Đinh Thị Na, thôn 1 Yên Bình, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất không giấu được niềm vui khi bò nhà chị đang có bầu lứa thứ 3. Chị Na cho biết, gia đình chị là hộ cận nghèo nên được hỗ trợ 70% giống và thức ăn cho bò. Vốn có kinh nghiệm nuôi bò từ khi chưa lấy chồng nên việc chăn nuôi bò với chị không quá khó khăn.
“Trong quá trình nuôi bò, cán bộ khuyến nông cũng luôn hỏi thăm, tư vấn kịp thời về thức ăn thô, thức ăn tinh và cách chăm sóc bò nên tôi rất yên tâm. Thời gian tới, nếu bò sinh sản được bê cái, vợ chồng tôi sẽ giữ lại để nhân giống, từ đó phát triển kinh tế gia đình’”, chị Na chia sẻ.
Bà Vương Thị Chung, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất cho biết, mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai trên địa bàn từ năm 2017 tới nay. Qua thời gian chăn nuôi, khoảng 90% hộ gia đình trên địa bàn huyện Thạch Thất đã vươn lên thoát nghèo. Số còn lại là đối tượng nghèo bền vững nên không có cơ hội xóa nghèo.
Theo bà Chung, phát huy những kết quả đạt được, những năm tới Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển mô hình bò sinh sản ở những vùng đệm và vùng miền núi ở địa phương, qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Không chỉ có riêng huyện Thạch Thất, mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã góp phần tạo công ăn việc làm cho những hộ nghèo ở những xã miền núi khó khăn. Riêng đối với mô hình triển khai năm 2017, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, 100% các hộ nghèo tham gia mô hình tại huyện Ba Vì, Thạch Thất thoát nghèo; 36,6% các hộ tham gia mô hình tại huyện Mỹ Đức thoát nghèo.
Thành công nhờ sát sao trong triển khai, thực hiện mô hình
Theo đó, mô hình Chăn nuôi bò sinh sản được triển khai năm 2017, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo tại các xã dân tộc miền núi, các hộ có điều kiện chăn nuôi bò sinh sản tại các xã chăn nuôi bò trọng điểm theo quy hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản (Trung tâm khuyến nông Hà Nội) cho biết, sau 5 năm triển khai, các mô hình đều cho kết quả tốt, đàn bò cái nền lai Sind, lai Brahman dễ nuôi, ít bệnh tật, sinh sản tốt, bê con sinh ra đều sinh trưởng phát triển tốt cho thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/1 con bê đực, đặc biệt những bò cái sinh sản phối tinh bò BBB sinh bê đực đã bán được 18 triệu đồng/con, đối với bê cái có giá trị cao hơn hoặc tiếp tục để làm giống.
“Mô hình đã được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất to lớn đối với các hộ nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là động lực, sự động viên hỗ trợ lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của cộng đồng với các hộ nghèo. Mô hình đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững tại các huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, ông Sơn khẳng định.
Bên cạnh đó, để có được thành công của mô hình, không thể không kể đến sự vào cuộc sát sao của đội ngũ cán bộ khuyến nông từ Thành phố tới cấp cơ sở. Theo đó, các cán bộ khuyến nông đã theo dõi sát sao từ khâu chọn điểm, chọn hộ và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò cho các hộ gia đình. Ở các giai đoạn quan trọng nuôi bò như động đực, phối giống, trong thời gian bò mang thai cán bộ khuyến nông luôn đồng hành với các hộ gia đình để bò sinh sản thuận lợi.
Ngoài huyện Thạch Thất, mô hình nuôi bò sinh sản còn được triển khai ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện Ba Vì, Mỹ Đức, do đó việc hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không có điều kiện xuống kiểm tra các mô hình thường xuyên nên cán bộ của phòng phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản đã ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các nhóm hộ nuôi bò để kịp thời hỗ trợ chủ hộ.
Theo đó, cán bộ phòng phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản đã lập nhóm Zalo kết nối các nhóm hộ kết nối trong huyện hoặc các huyện với nhau. Qua đó, vừa tạo cơ hội cho các hộ gia đình trao đổi kinh nghiệm nuôi bò, đồng thời, cán bộ khuyến nông nắm bắt kịp thời những vấn đề của các hộ chăn nuôi gặp phải từ đó có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Không chỉ là hướng đi đúng giúp các hộ cận nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, mô hình chăn nuôi bò sinh sản của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng góp phần chủ động con giống đáp ứng nhu cầu tại địa phương, tạo sự đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Không chỉ vậy, mô hình chăn nuôi bò còn sử dụng hiệu quả lao động nông nhàn ở địa phương gắn với việc chăn nuôi tận dụng sản phẩm phụ nông nghiệp, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng sản lượng thịt bò cung cấp cho thị trường Thủ đô.
Bình luận