Làm giàu từ phát triển mô hình trang trại tổng hợp
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn vốn, sức lao động, cùng với sự đam mê và ý trí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, chị Oanh đã thành lập mô hình trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế cho thu nhập cao hàng năm.
Niềm vui trong nông nghiệp của chị Nguyễn Thị Kim Oanh. |
Năm 2014, thời kỳ ở xã bắt đầu có mô hình kinh tế trang trại và xã cũng đang tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi trồng cây ăn quả có múi. Gia đình có hơn ba sào ruộng, chị Oanh liền thuê thêm ruộng của các gia đình xung quanh, mở rộng diện tích phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp.
Lúc đầu cách thức làm ăn, kinh nghiệm, vốn liếng chưa có nhiều, chị tự lần mò tìm tòi học hỏi cách làm từ anh em bạn bè, học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp tại địa phương mình và các địa phương khác trồng cây ăn quả, trồng rau sạch hữu cơ, chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Chị mạnh dạn mua cây giống về trồng trên diện tích 1.000m2. Lúc đầu chị gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây. Nguồn nước tưới chưa chủ động được năm đầu xác định chưa có thu hoạch, nên chị trồng xen canh các loại rau mầu với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Trang trại hình thành từ bàn tay cần cù chịu khó của người nông dân. |
“Để chăm bón cho cây trồng, khắc phục tình trạng khi khô hạn, chủ động được nguồn nước tưới, tôi đầu tư khoan giếng để lấy nguồn nước tưới phục vụ tưới cây. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương có chủ trương đưa đường điện ra đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tôi đã áp dụng kỹ thuật hiện đại vào nông nghiệp”, chị Oanh cho biết.
Và từ kinh nghiệm được tiếp cận trong những khóa tập huấn kỹ thuật phương pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi và được đi thăm quan mô hình thực tế do xã tổ chức, chị đã vận dụng lắp đặt hệ thống đường ống tưới tự động chạy theo các luống cây trồng để thuận tiện cho việc chăm sóc, tưới cây, giảm bớt chi phí và công sức lao động.
Bằng sự cần cù, chịu khó, chị ngày ngày gắn chặt với vườn cây, ao cá. Tiền thu hoạch từ rau màu được chị tiết kiệm, tích góp lại để đầu tư mua phân bón cho cây. Được Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển nông thôn cho vay vốn, chị tiếp tục mua giống về trồng.
Trái ngọt là thành quả từ sự cố gắng của gia đình chị Oanh. |
Đến năm thứ 2 kể từ khi thành lập mô hình, sản phẩm thu hoạch được từ trang trại đã cho doanh thu 100 triệu đồng. Đối với chị đó mới là khởi đầu nhỏ bé mà bản thân chị cần phải phấn đấu hơn nữa để phát triển kinh tế.
Trăn trở suy nghĩ, năm thứ 3 chị quyết định trồng cây cam đường canh ăn quả và cây ổi, mít đu đủ các loại. Lúc này chị lại gặp khó khăn về kỹ thuật trồng chăm sóc cay cam vì đây là cây đỏi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, chế độ chăm sóc đầu tư nhiều công và phân bón, thuốc bảo vệ cây.
Được xã và huyện tạo điều kiện cho vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư thêm tiền mua cây giống, chị kiên trì bền bỉ chịu khó, ngày đêm bám sát ở vườn cây, luôn kiểm tra cây trồng để kịp thời phát hiện bệnh, có biện pháp kịp thời chăm sóc cho cây được sinh trưởng phát triển tốt.
Vườn cây ăn quả, vườn rau sạch, ao thả cá gia đình chị phải thuê thêm 2 người có kỹ thuật để chăm sóc. Sau 2 năm, mô hình đã cho thu hoạch sản phẩm bán tại ruộng được 250 triệu đồng, trừ chi phí còn thu 150 triệu đồng.
Trang trại mang đến những trải nghiệm khó quên cho những ai từng đến. |
Với đà phát triển của vườn cây và ý tưởng làm giàu trên từ sản xuất nông nghiệp, chị Oanh mạnh dạn thuê thêm đất canh tác, mở rộng diện tích cây trồng. Năm 2018 chị học hỏi và áp dụng mô hình nuôi giun chùn quế để lấy nguồn thức ăn cho gia súc gia cầm và lấy nguồn phân bón cho trồng rau sạch hữu cơ.
Năm 2020, qua nắm bắt về nhu cầu của thị trường cũng như điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng thích nghi với trồng cây ăn quả, chị trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi, mở rộng diện tích 0,6 ha trồng rau sạch hữu cơ kết hợp chăn nuôi. Hàng năm lợi nhận thu được từ trồng cây ăn quả, trồng rau sạch kết hợp với chăn nuôi từ 250 - 350 triệu đồng.
Từ kết quả sản xuất, gia đình chị Oanh đã mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại như máy cày làm đất và lắp đặt hệ thống tưới tự động phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Vợ chồng chị Oanh đã xây được ngôi nhà khang trang và mua sắm được nhiều vật dụng, phương tiện phục vụ đời sống sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Luôn tìm tòi, học hỏi, khám phá và vươn lên, năm 2021 chị Oanh đã quyết định đi học mô hình nuôi cua biển sinh học khép kín. Chị thuê chuyên gia hướng dẫn xây dựng hệ thống bể và tập huấn kỹ thuật nuôi cua biển để thực hiện mô hình này. Bước đầu chị cũng gặp không ít khó khăn, song với lòng kiên trì, tâm huyết, quyết tâm cao chị đã nuôi thí nghiệm lứa đầu thành công và cho thu nhập cao. Mô hình nuôi cua biển sinh học của chị đang được mở rộng qui mô tại trang trại.
Màu xanh phủ kín đất phù sa. |
Ông Bùi Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì nhận xét về mô hình kinh tế của gia đình chị Oanh: “Ngoài việc chăm lo làm ăn kinh tế, gia đình chị Oanh còn tham gia các phong trào xây dựng địa phương, đã đóng góp nhiều kinh nghiệm sản xuất phát triển kinh tế địa bàn, nêu tấm gương kiên trì, bền bỉ, vượt khó đi lên trở thành người nông dân sản xuất giỏi.
Ngoài ra, chị Oanh còn luôn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, vận động mọi người cùng thực hiện. Hàng năm chị cùng với các thành viên trong mô hình tổ chức phổ biến, hướng dẫn kinh nghiệm trồng cây ăn quả, các kinh nghiệm về chiết ghép, lai tạo giống, tạo giáng cây cảnh, tạo hoa tạo quả cho nhiều người”.
Nhờ đức tính cần cù chịu khó kiên trì bền bỉ vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, học tập, tập huấn, học trong sách vở và thực tế lao động sản xuất đã trở thành người nông dân sản xuất giỏi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/tháng; tham gia giúp đỡ 20 hộ dân trong thôn về vật tư, giống, vốn và kỹ thuật sản xuất.
Bảo Thoa
Bình luận