Hàng nghìn hộ dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách
Giải ngân gần 8.900 tỷ đồng vốn ưu đãi phục hồi kinh tế Doanh nghiệp Việt kiến nghị chính sách khi hoạt động tại Indonesia Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để phát triển các cụm công nghiệp |
Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Kim Châu, xã Kim Thư) là hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để mua máy may, máy vắt sổ quần áo làm thêm những lúc nông nhàn. Nhờ nguồn vốn này, từ hộ nghèo, gia đình chị đã có điều kiện cải thiện cuộc sống.
“Số tiền tuy không nhiều nhưng là “cần câu cơm” của gia đình, đã hỗ trợ đắc lực để tôi vượt lên chính mình”, chị Thanh chia sẻ.
Nhiều gia đình ở huyện Thanh Oai đã thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách. (Ảnh: NC) |
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan (thôn Từ Châu, xã Liên Châu), năm 2018 cũng được vay 40 triệu đồng để đầu tư sản xuất giường tủ công nghiệp, thu nhập từng bước được cải thiện và đã thoát nghèo năm 2020. Tháng 4/2021, gia đình chị đã được tổ bình xét nâng mức vay tối đa với số tiền 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cũng giống như chị Thanh và chị Lan, trên địa bàn huyện Thanh Oai đã có hàng nghìn gia đình được tiếp tận nguồn vốn vay chính sách để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm lúc nông nhàn, từ đó ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về “Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác” do Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thanh Oai tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trung Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Oai cho biết, trong 20 năm qua, toàn huyện đã cho vay được gần 76.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.649 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.177 tỷ đồng.
Tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng chính sách đến 31/5/2022 đạt trên 490,9 tỷ đồng, tăng hơn 472,6 tỷ đồng, gấp 26,8 lần so với dư nợ khi thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 18,2% với 10.775 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân là 45,5 triệu đồng/khách hàng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
“Nguồn vốn này đã hỗ trợ vốn cho 26.166 lượt hộ nghèo, góp phần giúp hơn 8.000 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 24.672 lao động; 4.515 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 925 công trình nhà ở cho hộ nghèo, 42.672 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn…”, ông Sơn thông tin.
Lãnh đạo huyện Thanh Oai tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ. (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Theo thống kê của huyện Thanh Oai, tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần quan trọng kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Cụ thể, cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 là 11,42% (tương đương 5.207 hộ) giảm xuống còn 0,43% (tương đương 272 hộ) đầu năm 2022 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025. Như vậy, tổng số hộ nghèo giảm từ năm 2010 đến năm 2022 là 6.935 hộ, tương đương giảm 10,99%.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thanh Oai đánh giá, sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội là một chủ trương sáng suốt của Đảng, phù hợp với lòng dân. Địa phương luôn coi phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay này, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng chính sách.
Bình luận