Vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương
Nắm bắt cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh mới Tích cực triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi Nông dân Thường Tín lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi |
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống may của xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), ông Trần Huy Vĩnh hội tụ đầy đủ những phẩm chất thật thà, chất phát và đầy nghị lực của người dân nơi đây. Với ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình, nhận thấy hơn 13.000m2 đất nông nghiệp của địa phương bị bỏ hoang, năm 1990, ông nhận thầu để chuyển đổi làm kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng.
Thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm nên mô hình sản xuất của gia đình ông Vĩnh gặp nhiều khó khăn như: Thiếu vốn; cây, quả trong vườn mất mùa; cá trong ao chết nhiều... Tuy nhiên, không vì thế mà nản lòng, ông Vĩnh cùng gia đình bàn cách xây dựng quy mô ao - vườn, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ gia đình làm vườn khác trong và ngoài địa phương.
Mô hình ao - vườn của gia đình ông Trần Huy Vĩnh đang cho hiệu quả kinh tế cao. |
Qua tìm hiểu, ông Vĩnh nhận thấy ở các địa phương như: Hải Dương, Hưng Yên… có nhiều hộ giàu lên nhờ trồng cây ăn quả, đặc biệt cây bưởi có nhiều ưu điểm dễ bán, dễ mua, thị trường tiêu thụ rộng... nên ông quyết định đưa cây bưởi Diễn về trồng tại vườn nhà.
Vì đây là loại cây phù hợp với chất đất và khí hậu của địa phương, nhất là có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác nên ông Vĩnh đã quyết định đầu tư trồng 360 gốc bưởi, đồng thời tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức; học hỏi phương pháp trồng cây bưởi cho năng suất cao; kỹ thuật, quy trình chăm sóc áp dụng theo từng giai đoạn để đảm bảo quả bưởi có độ ngọt, vỏ đẹp và không bị khô nước...
Hiện nay 360 gốc bưởi Diễn đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm gia đình ông Vĩnh thu hoạch được trên 40 nghìn quả, với giá bán bình quân 25 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/quả, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra ông Vĩnh còn trồng 1 nghìn gốc cau, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng và nuôi cá, cho thu hàng chục tấn cá mỗi năm.
Bên cạnh đó, trong khoảng sân nhà chưa đầy 100m2 được ông thiết kế một cách tỉ mỉ, xây dựng một nhà màng, có đủ hệ thống tưới nước tự động và che nắng cho vườn hoa phong lan. Ngoài tạo giàn cho hoa lan, ông còn trồng cây để ghép vào thân và tạo cảnh cho hoa lan thêm phong phú về loại hình và kiểu dáng. Bằng bàn tay khéo léo, chăm sóc công phu, tỉ mẩn, hiện nay vườn phong lan của ông Vĩnh đã có hơn 2.000 giỏ lan với 50 loại khác nhau.
Cũng giống như ông Vĩnh, với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương và gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của địa phương, ông Nguyễn Quang Nam - chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công (làng nghề Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức) đã tiên phong tìm tòi, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm bánh đa nem. Hiện mỗi tháng cơ sở của gia đình ông sản xuất được từ 7,5 tấn đến 8 tấn hàng, tổng doanh thu khoảng 350 triệu đồng/tháng.
Hiện cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Quang Nam đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương. |
Theo ông Nam, thấu hiểu những khó khăn, vất vả và rủi ro trong quá trình làm bánh đa nem thủ công, đặc biệt là phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên ông đã quyết định đầu tư máy sấy để sấy bánh không bị phụ thuộc vào thời tiết và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ tháng 8/2017, gia đình ông chính thức đưa máy sấy vào quy trình sản xuất bánh đa nem. Tổng số tiền đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, ông là người đầu tiên trong làng nghề Ngự Câu đưa máy sấy vào quy trình sản xuất bánh đa nem. Tuy nhiên, phải mất hơn 1 năm đầu tiên, bánh làm ra không đạt yêu cầu, bị giòn và dễ vỡ.
“Có những lúc, tôi phải để trong nhà cả 15 - 20 tấn hàng vì không tiêu thụ được. Thời điểm đó, mọi người đều khuyên là bỏ không sử dụng máy sấy nữa, quay trở về phơi bánh thủ công nhưng tôi vẫn quyết tâm duy trì hoạt động và tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi giải pháp để khắc phục. Với sự quyết tâm và vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm, kiến thức của bản thân khi từng nhiều năm làm trong ngành nhựa và ngành cơ khí, cũng như kinh nghiệm trong quá trình sản xuất bánh đa nem, tôi đã tìm ra được giải pháp để làm ra sản phẩm đạt chất lượng, năng suất và được thị trường chấp nhận. Năm 2022, tôi đưa sản phẩm bánh đa nem tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và đạt 4 sao cấp huyện, 3 sao cấp Thành phố”, ông Nam chia sẻ.
Hiện cơ sở sản xuất của ông Nam đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 10 lao động thường xuyên với mức lương dao động từ 7 - 8 triệu đồng/tháng và 5 lao động thời vụ với mức lương dao động từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Ông Nam chia sẻ: “Với mong muốn giúp đỡ được nhiều người, nhất là những người dân trong làng có việc làm, thu nhập, nên lao động làm tại cơ sở sản xuất của tôi chủ yếu là lao động lớn tuổi, những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có gia đình. Khi vào làm việc, tất cả đều được đào tạo, tập huấn để đáp ứng yêu cầu công việc và yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động. Ngoài việc trả lương hàng tháng, vào dịp lễ, Tết người lao động cũng có thưởng và quà”.
Còn rất nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Họ không chỉ năng động, dám nghĩ, dám làm, chủ động tìm tòi, học hỏi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Bình luận