Điểm sáng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi Lan toả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Nhiều mô hình phát triển kinh tế

Tại huyện Thường Tín, thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được xác định là phong trào trọng tâm, nòng cốt, xuyên suốt. Phong trào đã có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.

Cán bộ, hội viên nông dân tiếp tục phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGap, hữu cơ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch của 17 tổ chức, cá nhân như: Mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Nghiêm Xuyên; sản xuất rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Thư Phú, Tân Minh, Ninh Sở; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Sở, Thư Phú, Hòa Bình, Lê Lợi, Duyên Thái, Tiền Phong; 1 mô hình nông nghiệp giáo dục trải nghiệm xã Hồng Vân…

Nông dân Thường Tín lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi
Những năm qua, việc đổi mới, nâng cao chất lượng các mô hình sản xuất, kinh doanh giúp nông dân huyện Thường Tín nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.

Các mô hình hiện nay quy mô không lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm diện tích đất bỏ không, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Để đáp ứng xu thế sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, cán bộ, hội viên nông dân đã xây dựng và phát 12 mô hình liên kết chuỗi. Trong đó, 7 chuỗi liên kết trồng trọt, 2 chuỗi liên kết chăn nuôi và 5 chuỗi liên kết giết mổ tại xã Ninh Sở, Lê Lợi, Nghiêm Xuyên, Thư Phú, Thống Nhất... Các chuỗi liên kết này luôn sẵn sàng đáp ứng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhân dân; góp phần rất lớn trong việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân các vùng sản xuất rau.

Tạo điều kiện hỗ trợ vốn phát triển kinh tế

Những năm qua, hoạt động dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh được các cấp Hội nông dân đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Tính đến nay, tổng các nguồn vốn Ngân hàng và Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân huyện đang quản lý và nhận ủy thác trên 229 tỷ đồng giúp cho 4.778 lượt hộ hội viên vay.

Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn vay từ các ngân hàng đã tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn nông thôn. 100% nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân; vệc thu hồi vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp luôn đảm bảo 100% không có nợ xấu, nợ quá hạn.

Nông dân Thường Tín lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi
Những năm qua, hoạt động dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh được các cấp Hội nông dân huyện Thường Tín đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường cũng được các cấp Hội nông dân huyện Thường Tín triển khai hiệu quả, thiết thực. Theo đó, các cấp Hội nông dân đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động thi đua thực hiện các mô hình, phần việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi cây trồng. Vận động hội viên, nhân dân tham gia hiến đất, góp công, góp của xây dựng đường làng, ngõ xóm và các tuyến đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng...

Để thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng năm các cơ sở Hội đã tiến hành rà soát số hộ nghèo, cận nghèo có sức lao động theo chuẩn của Thành phố, đăng ký và đề ra các biện pháp giúp đỡ thiết thực, cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ; phân công cán bộ, hội viên có khả năng làm kinh tế giúp thoát nghèo. 5 năm qua, các cấp Hội đã giúp 307 hộ gia đình hội viên nghèo, cận nghèo thoát nghèo góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.