Nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi, mô hình làm kinh tế hiệu quả Nông dân "hái" tiền triệu từ cây dưa chuột Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Hồng Dương

Đan Phượng là huyện có nhiều tiềm năng lợi thế, đất đai màu mỡ, có giao thông thuỷ, bộ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương mại, dịch vụ; nông nghiệp có bước phát triển khá, giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng và phát triển nhiều mô hình mới, hiệu quả.

Những tấm gương nông dân giỏi trong năm qua đã tạo động lực động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu và giúp đỡ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng Hội Nông dân vững mạnh.

Điểm sáng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” năm 2022 cho Hội Nông dân huyện Đan Phượng.

Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã đạt được những kết quả vượt bậc trong năm qua. Qua thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, kết quả bình xét từ các chi Hội, thẩm định Hội Nông dân cơ sở và Hội Nông dân huyện, nhiều hộ đã vượt lên trở thành tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, điển hình có hộ ông Trần Văn Bảy xã Thọ Xuân, ông Nguyễn Đăng Quý xã Đan Phượng, ông Trần Văn Dũng, ông Nguyễn Văn Cốp, Nguyễn Văn Khắc xã Thọ an trồng rau hữu cơ công nghệ cao với diện tích trên 1,1 ha với 20 - 30 nhà màng, nhà lưới, hàng năm giải quyết 20 - 30 lao động, giúp đỡ 8 - 10 hộ về kỹ thuật, kinh nghiệm.

Hay hộ ông Nguyễn Thế Độ thị trấn Phùng, ông Tạ Văn Huy xã Song Phượng trồng nấm hữu cơ giải quyết việc làm cho 25 - 30 lao động; ông Phan Văn Hào, Nguyễn Văn Tuấn, Tạ Văn Sơn thành viên hợp tác xã trồng xã bưởi Thượng Mỗ hàng năm cho thu nhập 300 - 500 trăm triệu đồng; ông Nguyễn Khắc Kỳ trồng bưởi sinh học xã Hạ Mỗ; ông Nguyễn Hữu Hợi xã Đan Phượng trồng nho Hạ đen gắn du lịch canh nông,...

“Điểm danh” những “điểm sáng” về chăn nuôi, ông Thiều Văn Son cho biết: Hộ ông Trần Văn Thắng xã Thọ an nuôi bò thịt từ 300 đến 500 con và nuôi trùng quế giải quyết môi trường hàng năm cho thu nhập trên 1.500 triệu đồng, giải quyết 30 lao động, trợ giúp 15 hộ nông dân thoát nghèo.

Hộ ông Nguyễn Văn Tiến xã Song Phượng; ông Lê Thanh Lịch, Nguyễn Ngọc Ánh xã Phương Đình; ông Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Văn Thanh, Đỗ Văn Khá, Đỗ Văn Đang xã Trung Châu; bà Nguyễn Thị Hạnh, ông Phạm Bá Dương xã Hồng Hà chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm thu nhập trên 450 triệu đồng, giải quyết 20 - 25 lao động, giúp đỡ 8 - 10 hộ về khoa học kỹ thuật, kimh nghiệm chăn nuôi để giảm nghèo bền vững; hộ ông Lê Văn Khẩn xã Đồng Tháp nuôi gà thương phẩm hàng nghìn con, một lứa cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng,...

Điểm sáng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Nhiều nông dân được khen thưởng trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh năm 2022.

Không chỉ giỏi về sản xuất, chăn nuôi, nông dân huyện Đan Phượng còn có những hộ gia đình “sáng” về ngành nghề thương mại, dịch vụ. Điển hình như hộ ông Trần Việt Lượng kinh doanh vật liệu xây dựng xã Hồng Hà; ông Nguyễn An Ngọc xã Liên Trung kinh doanh lĩnh vực xây dựng; ông Nguyễn Tuấn Cường kinh doanh điện, nước uống tinh khiết xã Trung Châu; bà Nguyễn Thị Chùy kinh doanh nhang thắp xã Hạ Mỗ.

Rồi hộ ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Lộc xã Liên Hà; ông Hoàng Văn Mạnh xã Liên Hồng, bà Phí Thị Mai Hương xã Liên Trung, ông Nguyễn Trọng Sâm kinh doanh chế biến lâm sản; bà Nguyễn Thị Mận, ông Bùi Văn Hùng kinh doanh đồ gỗ cao cấp xã Đan Phượng; bà Bùi Thị Dung xã Tân lập kinh doanh hàng nông sản; bà Đinh Thị Hèo xã Hạ Mỗ kinh doanh may xuất khẩu giải quyết từ 25 - 30 lao động nông thôn thu nhập 5,5 đến 7 triệu đồng/người,...

Có thể nói, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang phát triển rộng khắp và trở thành phong trào chính trong hoạt động của Hội. Phong trào đã đi sâu vào suy nghĩ và hành động của cán bộ và hội viên nông dân, là tiền đề thúc đẩy các phong trào, các cuộc vận động và công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

“Phong trào đã tác động tích cực đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế theo quy hoạch, phù hợp tạo bước chuyển dịch tích cực theo hướng chuyên canh, nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường.

Phong trào thực sự là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, tạo nên sức mạnh tổng hợp tác động đến các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần vào mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững của huyện và thực hiện mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, tiến tới xây dựng huyện trở thành quận những năm tới khi đủ điều kiện”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng khẳng định.

Bảo Thoa