TP.HCM: Đề xuất lập Tổ công tác điều hành xăng dầu Từ nay tới cuối năm 2022: Tháo điểm nghẽn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

“Vua sen” làm giàu trên đất trũng

Đến với xã Hồng Dương vào những tháng hè, không khó để bắt gặp những đầm sen nở rộ, trải dài, mùi hương thơm ngát. Tại đây, ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Hoàng Trung) được người dân biết đến với biệt danh “vua sen”, vì ông là người đầu tiên ở khu vực trồng sen với quy mô hàng hóa. Hiện nay, gia đình ông Hòa là hộ gia đình có diện tích trồng sen lớn nhất xã.

Chỉ vào đầm sen rộng bạt ngàn, ông Hòa tâm sự, để có được cơ ngơi như vậy ông cũng phải trải qua quãng thời gian gây dựng tương đối khó khăn. Ông Hòa kể, xuất thân là một người nông dân trồng lúa, trước đây, cứ xã cho đấu thầu chỗ đất này, ai cho cấy chỗ ruộng kia ông đều nhận hết, kể là ruộng trũng ngập quanh năm cùng với việc nuôi gia cầm. Nhận thấy tiềm năng của cây sen, ông Hòa tìm đến các hồ sen để học hỏi.

Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Hồng Dương
Ông Nguyễn Văn Hòa là người đầu tiên ở xã Hồng Dương trồng sen với quy mô hàng hóa.

“Từ mô hình chăn nuôi và trồng lúa chuyển sang trồng sen chuyên canh, ban đầu tôi chỉ canh tác vài mẫu. Sau khi thấy nhu cầu về hoa sen, hạt sen, củ sen ngày một nhiều, cùng với kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình làm, gia đình tôi đã chủ động mở rộng sản xuất, đến nay là 40 mẫu”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết, với đặc tính dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, các sản phẩm của cây sen như lá, ngó, củ, hoa, hạt… đều mang lại kinh tế, được tiêu thụ rộng khắp. Thời gian thu hoạch sen đều đặn khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, từ lúc trổ bông đến lúc sen tàn.

Một trong những ưu điểm của mô hình trồng sen là khi đến đợt thu hoạch, thương lái đến tận nơi để thu mua. Do đó, nông dân không phải “chạy đôn chạy đáo” tìm đầu ra so với các loại cây trồng khác. Giá sản phẩm cũng tương đối cao, hoa sen khoảng 3.000 đồng/bông, hạt sen khoảng 35.000-40.000 đồng/kg tùy thời điểm. Mỗi năm, với sản lượng 25/tấn hạt sen sẽ mang đến doanh thu cho gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng.

Bên cạnh thu nhập từ sen, ông Hòa còn thả thêm cá truyền thống, cá tự tìm thức ăn từ sinh vật phù du nên không tốn công chăm sóc, mỗi vụ ông xuất thêm hàng tấn cá thịt chất lượng cao. Trên bờ, ông nuôi thêm bò để ăn cỏ tự nhiên, bớt công cắt cỏ, phân bò cho xuống cánh đồng sen làm sen tốt hơn, hoa đậm màu. Cùng với đó là vài trăm gốc nhãn, gốc bưởi.

Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Hồng Dương
Ngoài các sản phẩm thô từ cây sen, ông Hòa đã quy hoạch cảnh quan khu đầm để thu hút lượng lớn khách tham quan, chụp ảnh mỗi khi mùa sen nở.

Trong thời gian cao điểm thu hoạch, ông Hòa phải thuê hàng chục công nhân mới kịp thu hái sản phẩm. Qua đó tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng.

Ngoài các sản phẩm thô từ cây sen, ông Hòa đã quy hoạch cảnh quan khu đầm để thu hút lượng lớn khách tham quan, chụp ảnh mỗi khi mùa sen nở. Công việc này vừa có thêm thu nhập, vừa quảng bá, thúc đẩy du lịch, dịch vụ của địa phương.

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sen đã góp phần đa dạng hóa nguồn sản phẩm nông nghiệp của xã Hồng Dương. Việc đầu tư trồng sen ở các vùng đất trũng giúp thu nhập của các hộ gia đình tăng gấp 2-3 lần so với áp dụng các mô hình sản xuất khác.

Đổi mới tư duy chăn nuôi

Ngoài gia đình ông Hòa, nhiều gia đình tại xã Hồng Dương đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm nông truyền thống. Trong đó có thể kể đến gia đình ông Lê Hữu Giang (thôn Ngô Đồng) hiện đang sở hữu trang trại nuôi gà đẻ lấy trứng với tổng đàn hơn 20.000 con.

Sau nhiều năm làm nông không hiệu quả, năm 2016, gia đình ông Giang rẽ hướng chuyển sang làm trang trại chăn nuôi. Từ vài ngàn con gà ban đầu, năm 2020, ông quyết định mở rộng quy mô theo hướng trang trại công nghệ cao tập trung, cách xa khu dân cư, chăn nuôi hoàn toàn khép kín.

Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Hồng Dương
Gia đình ông Lê Hữu Giang (thôn Ngô Đồng) hiện đang sở hữu trang trại nuôi gà đẻ lấy trứng với tổng đàn hơn 20.000 con được chứng nhận VietGAP.

Dẫn đi thăm quan mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi thấy trong những chuồng kín, không khí hoàn toàn không có mùi và nhiệt độ luôn duy trì ở mức mát cho gà sinh trưởng.

Để có được điều đó, ông Giang cho biết, ông đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thay đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường.

Theo đó, ông quyết định đầu tư làm chuồng một cách bài bản, có hệ thống thông gió, dàn lạnh, chuồng nhốt, máng ăn, uống... Toàn bộ các công đoạn từ thức ăn, nước uống… của hàng chục ngàn con gà gần như tự động hoàn toàn. Nếu như cho ăn thủ công cần đến 3-4 tiếng thì hiện nay hệ thống tự động đã “giải phóng” sức lao động rút xuống còn 1 tiếng rưỡi, không cần nhân công.

“Để có được hiệu quả, việc chăn nuôi đòi hỏi phải có kỹ thuật. Gà nuôi lồng hiện nay đem lại năng suất cao hơn so với chăn thả tự do. Bởi, chúng tôi kiểm soát được đầu vào của gà, phòng bị bệnh tật. Điều quan trọng nhất là khoa học công nghệ giúp sức”, ông Giang chia sẻ.

Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Hồng Dương
Với hệ thống kỹ thuật, không khí trong chuồng trại luôn sạch sẽ, mát mẻ phù hợp cho gà sinh trưởng.

Ông Giang đã kết nối thành công thiết bị điện, máy đo nhiệt độ, độ ẩm với chiếc điện thoại thông minh. Bất kỳ sự cố nào về điện như mất điện đột ngột hay nhiệt độ cao sẽ được báo về điện thoại ngay lập tức. Nhờ đó, ông đã tiết kiệm được nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc gà mái đẻ, hạn chế thấp nhất rủi ro gà bị ngạt khí.

Đáng chú ý, ông Giang tâm sự, điều ông tâm đắc nhất tại trang trại của mình là hệ thống mát trong từng chuồng. Theo đó, ông đã đầu tư xây 1 bể nước lớn, cùng giàn mát từ giấy xốp. Các ống tuýp chứa nước đi qua sẽ phun đều nước xuống giàn mát. Ở phía đối diện có quạt công suất lớn, khi quạt hoạt động sẽ hút hơi nước từ giàn mát xua tan không khí nóng, sau đó cấp một lượng khí mới vào, cứ như vậy vòng tuần hoàn mới lại diễn ra giúp cho không khí trong chuồng luôn được trong lành, sạch sẽ. “Dù bên ngoài nhiệt độ có 40 độ hay nóng hơn thì bên trong lồng luôn duy trì nhiệt độ ở ngưỡng 30 độ”, ông Giang cho biết.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã về hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng sản phẩm OCOP, trứng gà đẻ của gia đình ông Giang luôn có thị trường tiêu thụ ổn định. Với quy mô sản xuất, chăn nuôi và ấp nở trứng gia cầm như hiện nay, trung bình mỗi ngày trang trại gà của ông xuất bán ra thị trường khoảng vài ngàn quả trứng. Gà đẻ ngày nào đều có đại lý đến trực tiếp mua, mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng cho biết, nhiều năm qua xã luôn quan tâm đến đổi mới, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Từ những mô hình kinh tế đã góp phần đưa Hồng Dương về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020, tiến đến xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, xã Hồng Dương đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập. Xã đang khảo sát một vài hộ xây dựng sản phẩm OCOP để các sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng trên thị trường hơn nữa.