Doanh nghiệp miền núi đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Tiêu thụ nông sản: Cần kết nối cung-cầu và hàm lượng chế biến sâu Chuyển đổi số, nông dân miền núi bán hàng online hiệu quả

Hơn 5h sáng, trên cánh đồng thuộc xóm 1, xã Tân Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã nhộn nhịp người qua lại. Dưới những ruộng trồng dưa chuột, từng tốp nông dân vừa lom khom hái dưa vừa râm ran nói cười.

Chị Nguyễn Thị Ánh, một người dân tại đây chia sẻ: “Hơn 1 tháng nay, bà con trong xóm thức dậy từ 5h sáng hái dưa chuột để kịp nhập cho thương lái. Những ngày đầu dưa có giá từ 12-15 ngàn đồng/kg, hộ trồng nhiều khoảng 1ha thì cho thu về 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày. Về cuối tháng giá dưa có lúc lên, lúc xuống, tuy nhiên, tính trung bình thì thu nhập mà dưa chuột mang lại cho người dân xã Tân Sơn cao gấp nhiều lần so với việc trồng lúa”.

Nghệ An: Nông dân thu tiền tỷ từ cây dưa chuột
Người dân tất bật thu hoạch dưa chuột. (Ảnh: Lê Thắm)

Theo tìm hiểu, với phương châm “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, ngay sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu, người nông dân ở Tân Sơn lại bắt tay ngay vào trồng dưa chuột vụ đông.

Cũng là một hộ gia đình trồng dưa chuột với diện tích lớn tại xã Tân Sơn, chị Nguyễn Thị Giang cho biết, ruộng dưa chuột vụ đông hiện tại vợ chồng chị mượn ruộng lúa của một hộ dân trong xóm để gieo trồng, bởi ruộng nhà anh chị đang trồng giống lúa mới, thời gian thu hoạch muộn hơn giống lúa cũ nửa tháng. Để đảm bảo kịp thời gian trồng dưa chuột vụ đông, anh chị đã bàn nhau mượn ruộng nhà hàng xóm gieo trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng.

Theo chia sẻ từ cán bộ xã Tân Sơn, hiện nay, toàn xã Tân Sơn trồng 9,08ha dưa chuột vụ đông. Có hộ dân sau 1 tháng thu hoạch dưa chuột đã thu về hơn 40 triệu đồng. Vì vậy, người dân Tân Sơn rất vui mừng, chăm chút ruộng đồng, luân canh gối vụ tăng năng suất, hiệu quả trên cùng một diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Nghệ An: Nông dân thu tiền tỷ từ cây dưa chuột
Sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu người dân bắt tay vào trồng dưa chuột. (Ảnh: Lê Thắm)

Tương tự xã Tân Sơn, vụ đông năm nay, người dân thuộc xã Hưng Tân (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cũng vô cùng phấn khởi vì dưa chuột được mùa, mang lại thu nhập cao. Điển hình như hộ gia đình bà Phan Thị Bình (làng Phan, xã Hưng Tân).

Bà Bình cho biết, năm nay gia đình bà trồng 1,5 sào dưa chuột. Từ đầu vụ đến nay, gia đình bà đã thu hái 4-5 lứa, mỗi lứa khoảng 1,2 tạ. Với giá bán tại ruộng là 20.000 đồng/kg, gia đình bà thu về khoảng 20 triệu đồng.

Chi phí để trồng dưa chuột rẻ, đối với ruộng dưa rộng 1,5 sào, gia đình bà chỉ phải bỏ ra vốn ban đầu khoảng hơn 2 triệu, so với các loại cây trồng khác thì thu nhập dưa chuột mang lại cao vượt trội, hơn tất cả các loại cây gia đình bà từng trồng trước đây.

Khẩn trương thu hoạch để kịp nhập cho thương lái đang đứng chờ thu mua trên ruộng, ông Nguyễn Trọng Thịnh cho biết, vụ này, ông chỉ làm 1,5 sào, năng suất ước chừng 2,5 tạ/sào. Thu hái đến đâu, thương lái và người dân thu mua hết đến đó, giá dưa chuột dao động từ 17.000-20.000 đồng/kg.

“4 năm làm dưa chuột, chưa năm nào phải lo chuyện đầu ra. Thu hái bao nhiêu, bán ngay tại ruộng bấy nhiêu, cũng không mất công đi bán lẻ ở các chợ, giá cả ổn định”, ông Thịnh cho biết.

Được biết, trước đây, trên vùng đồng làng Phan, sau khi thu hoạch xong vụ hè thu thì người dân chuyển sang sản xuất vụ đông với cây trồng chủ lực là cây bí xanh. Song loại cây này chăm sóc công phu, thị trường tiêu thụ bấp bênh, có những năm ế ẩm nên người dân chuyển sang trồng thử nghiệm cây dưa chuột.

Ngoài ưu điểm của cây dưa dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh lại ngắn ngày thì bà con làng Phan đã rất sáng tạo khi trồng dưa chuột không cần giàn, vừa tiết kiệm công sức, tiết kiệm chi phí lại tận dụng được đất nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn.

Theo đó, sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, người dân chỉ cần cày ải, lật đất lên thành vồng rồi xuống giống. Trên các vồng đất vẫn nguyên gốc rạ vừa giữ ẩm cho cây dưa, hạn chế cỏ, vừa giúp quả dưa tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, không bị thối, úng.

Ban đầu chỉ một vài hộ làm thí điểm, đến nay, sau khi thấy hiệu quả vượt trội, người dân làng Phan đã ứng dụng đại trà. Trên cánh đồng làng Phan, 3 năm nay, người dân đưa vào trồng dưa chuột không cần giàn và diện tích ngày càng mở rộng.

Nghệ An: Nông dân thu tiền tỷ từ cây dưa chuột
Người dân làng Phan (xã Hưng tân, huyện Hưng Nguyên) trồng dưa chuột không dùng giàn. (Ảnh: Lê Thắm)

Ông Phan Đăng Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Tân cho hay: “Toàn xã có 12ha dưa chuột vụ đông, chủ yếu tập trung ở làng Phan; giá trị kinh tế mang lại hơn 2 tỷ đồng/vụ. Đợt mưa lũ vừa rồi, toàn cánh đồng dưa chuột làng Phan chìm trong biển nước song bà con đã tích cực huy động 2 máy bơm, hút nước 7 ngày đêm để cứu dưa; nhiều hộ còn kỳ công “bồng” dưa từ chỗ thấp lên chỗ cao tránh ngập úng bằng cách đào cả bầu dưa di chuyển từ ruộng lên bờ, chờ nước rút, đất ráo mới đem trồng lại vị trí cũ. Do đó, dù gặp điều kiện bất lợi về thời tiết cực đoan song năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế từ cây dưa chuột không giảm”.

Đặc biệt, ông Minh cũng cho biết thêm, “bí quyết” để dưa chuột làng Phan thu hoạch đến đâu, tiêu thụ đến đó, không lo ế, không lo chuyện đầu ra là bà con cùng nhau hướng đến sản xuất sạch. Việc bơm phun thuốc bảo vệ thực vật được bà con tuân thủ theo khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp xã. Bắt đầu cây dưa ra hoa cho đến khi thu hoạch thì ngừng phun thuốc, chỉ bắt sâu bằng hình thức thủ công và hạn chế côn trùng gây hại bằng bẫy thảo dược. Do đó, đảm bảo an toàn cho dưa, cho chính người trồng, được thị trường đón nhận.

Ngoài các huyện Đô Lương, Hưng Tân, hiện nay, nhiều huyện khác ở Nghệ An cũng đang tăng cường gối vụ, trồng thêm dưa chuột, ngô... để nâng cao giá trị sử dụng đất, tăng sản lượng nông nghiệp như huyện Yên Thành, Nam Đàn… Nhờ các làm hay này, đời sống và thu nhập của bà con nông dân ngày càng được nâng lên. Để khuyến khích người nông dân, các huyện, xã tại Tỉnh Nghệ An đều có các hình thức hỗ trợ như, hỗ trợ phân bón, tiền cày đất… và kết nối đầu ra cho nông sản.