Tiêu thụ nông sản: Cần kết nối cung-cầu và hàm lượng chế biến sâu
Làm thế nào để có thể tiêu thụ nông sản tốt nhất? Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho các chợ truyền thống |
Tại Diễn đàn đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, diễn ra ngày 26/10, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Thế giới đang đứng trước những xu hướng mới mà nếu không theo kịp thì chúng ta tụt hậu, như: giảm tiêu thụ sản phẩm động vật, người trẻ thế giới ưa sản phẩm hữu cơ nhanh, gọn, tiện, có không gian tiêu dùng; xu hướng chuyển đổi số cũng đẩy mạnh không ngừng...
Do vậy, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản cho rằng sản phẩm nông sản cần hàm lượng chế biến sâu và tinh thông qua xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có hạ tầng giao thông vận tải thuận lợi.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) |
Không để người nông dân "cô đơn"
Ông Toản nêu rõ: Cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng được công nghệ hiện đại. Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, doanh nghiệp, khi tham gia liên kết với người nông dân thì phải nhìn ra được nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, cần giảm chi phí sản xuất, tổn thất thu hoạch, gia tăng giá trị cho nông sản. Thêm vào đó, hình thành các tổ khuyến nông cộng đồng, lực lượng cơ sở tại chỗ làm dịch vụ nông nghiệp phục vụ người nông dân "nằm vùng" hướng dẫn thông tin sản xuất cho người nông dân, không để người nông dân "cô đơn" một mình.
Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết gần đây, liên tiếp xuất hiện tin vui từ thị trường nhập khẩu như quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, quả bưởi da xanh xuất khẩu vào Mỹ… Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên nhưng vấn đề làm sao để duy trì đà tăng trưởng bền vững mới quan trọng. Rõ ràng giá trị quyết định tất cả bởi nhu cầu thị trường luôn biến động.
Theo đánh giá của ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp.
Xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng và kim ngạch. Nếu như năm 2010 mới chỉ có 03 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2021, nhóm hàng nông sản đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) |
Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước cũng đánh giá việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong đó, tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng "được mùa mất giá". Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh.
Thị trường xuất khẩu nông sản lệ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống dễ bị tổn thương khi thị trường này bị ngưng trệ do nguyên nhân khách quan và chủ quan (gần đây nhất là tác động của dịch COVID-19). Hiện tượng, mất cân đối cung cầu đối với nhiều mặt hàng nông sản vẫn diễn ra phổ biến.
"Sợi dây" liên kết và trách nhiệm "nhạc trưởng"
Để kết nối cung - cầu, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, cần có "nhạc trưởng" để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, đột phá thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó, có kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu cho phát triển kinh tế tập thể.
Cần kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước. (Ảnh minh họa) |
"Cần tiếp tục nghiên cứu để hình thành tổ chức quản trị điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương, điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng", ông Thịnh nói.
Muốn đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, cần phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, việc thắt chặt liên kết "bốn nhà" trong đó có mô hình liên kết hợp tác xã để khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền.../.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN
Bình luận