Giá bán lẻ điện bình quân sẽ giảm trong trường hợp nào? Đề xuất tăng giá điện: Gia đình công nhân lo lắng vì phát sinh chi phí
Tiền điện - Nỗi lo của người lao động: Cân nhắc tăng giá điện trong giai đoạn hiện nay
Tiền điện chiếm tỷ lệ đáng kể trong chi tiêu của người lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Có NLĐ làm thêm 27 ngày trong tháng

Vừa qua, Viện Công nhân - Công đoàn đã tiến hành khảo sát về thu nhập, đời sống của NLĐ tại các loại hình doanh nghiệp (nhà nước, cổ phần hóa; tư nhân; có vốn đầu tư nước ngoài) với hơn 1.500 NLĐ tham gia trả lời.

Có 46,2% NLĐ cho biết, họ có làm thêm giờ với số ngày phải làm thêm giờ trong 1 tháng trung bình là 12,78 ngày/tháng. Người làm thêm ít nhất là 1 ngày/tháng, nhiều nhất là 27 ngày/tháng (gần như ngày nào cũng làm thêm). Số giờ làm thêm trung bình trong ngày là 2,5 giờ, người làm thêm nhiều nhất là 4 giờ/ngày. Tiền lương làm thêm trung bình chiếm khoảng 22% tiền lương trong tháng nhưng có hơn 5% NLĐ có tiền làm thêm chiếm tới 80% tiền lương tháng.

Lý do NLĐ chọn làm thêm giờ là thu thập từ thời gian làm việc chính thức thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Ngoài ra, nếu về nhà sớm 1-2 giờ cũng không có việc gì/hoạt động gì để làm.

Tiền lương thấp ảnh hưởng lớn đến cuộc sống NLĐ

Theo khảo sát, có tới 56,1% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống; 21,% NLĐ cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và 13,2% NLĐ cho rằng thu nhập hiện nay không đủ sống.

Tiền lương thấp cũng ảnh hưởng tới dinh dưỡng NLĐ: 5,2% NLĐ được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1 lần/tuần); 34,1% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); 31,1% cho biết tiền lương thu nhập hiện tại chỉ đảm bảo 2 bữa ăn có thịt cá/ngày và chỉ có 27,8% NLĐ cho biết có điều kiện ăn thịt cá trong các bữa ăn.

Điều này làm xấu thêm tình trạng sức khỏe của NLĐ đã bị nhiễm COVID-19, bị ảnh hưởng “hậu COVID-19”. Nhiều NLĐ cho biết họ cảm thấy hụt hơi, nhanh mệt hơn so với trước khi nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, tiền lương thấp ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình, quyết định sinh con, chi phí học hành của con cái, khám chữa bệnh, cũng là lý do con cái không ở cùng cha mẹ…

TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, hiện tại đời sống NLĐ hậu COVID-19 đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các ngành phục hồi sau COVID-19, song vẫn còn những yếu tố khác tác động như chiến tranh Nga-Ukraina, lạm phát cao ở các nước nhập khẩu của Việt Nam... nên nhiều NLĐ vẫn bị giảm lương do đơn hàng của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tiền lương tối thiểu của NLĐ năm 2022 có tăng nhưng chưa đủ để bù đắp cho 2 năm không tăng do bị ảnh hưởng của COVID-19. Khu vực công chức viên chức, mức lương cũng còn thấp - nhiều công chức, viên chức đã xin ra khỏi khu vực công. Vì vậy, cần cân nhắc tăng giá điện trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, hiện nay vẫn còn có nhiều NLĐ phải trả tiền điện cao hơn giá quy định, do đó các công ty điện lực phải phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ. Thực hiện niêm yết công khai biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, tại các điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân của UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các khu chế xuất và khu công nghiệp.

Ngoài ra, các công ty điện lực cũng cần thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, giám sát việc đảm bảo cho người thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt đúng quy định...

TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng LĐLĐVN - cho rằng: Trước khi tăng giá điện, nên có chính sách đảm bảo mức thu nhập đủ sống cho NLĐ. Ngoài ra, trong bối cảnh phát triển xanh hiện nay, Nhà nước nên thúc đẩy triển khai điện mặt trời áp mái và có hỗ trợ chi phí cho người dân để lắp đặt, coi như chi phí dịch vụ xã hội.

Theo Việt Lâm/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/tien-dien-noi-lo-cua-nguoi-lao-dong-can-nhac-tang-gia-dien-trong-giai-doan-hien-nay-1103197.ldo