Tốc độ di động của Việt Nam được xếp hạng thứ 53/193 quốc gia
Tăng cường giám sát thực thi để khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu Nền tảng thanh toán Payment Platform giành giải Vàng IT World Awards 2022 |
Chiều 15/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 3, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QH |
Liên quan tới việc tổ chức đấu giá tần số, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng thể hiện rõ nét tính minh bạch và cho phép tối đa hóa nguồn thu và phản ánh chính xác nhất giá trị kinh tế của băng tần.
Có 78/132 nước đã sử dụng phương thức đấu giá này. Ở Việt Nam thì phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định 88/2021. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được triển khai tổ chức thực hiện trên thực tế.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) |
Từ đó, bà Hà đề nghị, đánh giá kỹ hơn và giải trình vướng mắc tại sao qua hơn 13 năm thi hành Luật Tần số vô tuyến điện mà chính sách này cũng chưa được thực hiện. Nguyên nhân của vướng mắc do đâu, bất cập như thế nào?, đồng thời cần có dự báo tác động toàn diện của chính sách đến kinh tế xã hội, lợi ích của các doanh nghiệp có liên quan, nhất là các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Còn đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) cho rằng, đối với vấn đề sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội cần phải cân nhắc rất thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng hơn trong phương diện công nghệ, kinh tế, an ninh, quốc phòng tác động đến thị trường viễn thông.
Theo ông Công, do tính chất đặc thù nên các tần số được phân bổ riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng, không cần phải cấp phép, sử dụng thông qua các hình thức cấp phép trực tiếp, đấu giá, thi tuyển như đối với các doanh nghiệp thông thường phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Như vậy, khi chuyển mục đích sử dụng tần số có kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế thì doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có cần phải đấu giá không? Nếu không thì liệu có không nhất quán với quy định về tiêu chí, điều kiện cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện, có bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường viễn thông?
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 15.6 |
Cuối phiên thảo luận, tiếp thu giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2010 Luật tần số vô tuyến điện bắt đầu có hiệu lực; năm 2012 ban hành quyết định của Thủ tướng về đấu giá; năm 2014 ban hành quyết định của Thủ tướng về các băng tần mang ra đấu giá; năm 2016 Bộ Thông tin và truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai nhưng năm 2018 Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực. Theo đó, quy định mức thu và phương thức thu phải có Nghị định của Chính phủ nên tiến trình bị dừng lại. Đến cuối năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định về đấu thầu tần số.
Theo ông Hùng, hiện nay bộ đang triển khai các bước tiếp theo. Trong khi chưa đấu giá tần số 4G, bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng tần số 2G sang 3G, và 3G để làm 4G, đồng thời thực hiện thương mại 5G tại một số trung tâm lớn.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay tốc độ di động của Việt Nam vẫn được xếp hạng ở mức khá cao là 53/193 quốc gia. Với quy định mới chi tiết hơn để đấu giá, thi tuyển đề cập trực tiếp trong dự thảo luật thì việc cấp tần số sẽ đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Theo
/laodong.vnhttps://laodong.vn/thoi-su/toc-do-di-dong-cua-viet-nam-duoc-xep-hang-thu-53193-quoc-gia-1056870.ldo
Bình luận