Toàn văn bài viết của Chủ tịch nước Tô Lâm về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Văn hoá còn thì dân tộc còn"

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa của đất nước. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn”. Tức là văn hóa có liên quan mật thiết sự tồn vong, thịnh suy, phát triển, trường tồn của dân tộc, đất nước.

Vì thế trong quá trình phát triển phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà văn hóa lớn của dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Nhà Quốc hội, ngày 24/11/2021.

Về đặc trưng, mục tiêu xây dựng nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Tổng Bí thư khẳng định: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại”.

Mới đây nhất, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước. Các nhà nghiên cứu đánh giá cuốn sách đã nâng tầm lý luận về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cuốn sách gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập; tạo nguồn lực nội sinh, huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo Ban Tổ chức, cuốn sách không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những phát biểu, bài viết của người đứng đầu Đảng ta về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển - sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa; gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Qua đó góp phần quan trọng làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

"Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"

Tình yêu dành cho văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố quan trọng. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc, gia đình và quê hương đã truyền vào ông tình yêu sâu sắc đối với văn hóa. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học vấn chuyên sâu về văn hóa và ngôn ngữ đã củng cố thêm tình yêu và vốn hiểu biết sâu rộng của ông về văn hóa Việt Nam.

Không những thế, trước khi trở thành lãnh đạo cao cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều năm công tác trong các lĩnh vực liên quan đến tư tưởng và văn hóa, như biên tập viên, nhà nghiên cứu ở Tạp chí Cộng sản (1967 - 1996). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (2001 - 2007).

Vừa là người con Hà Nội và nguyên là Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông đặc biệt coi trọng vai trò văn hóa của Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi phải thể hiện rõ nét nhất và dẫn dắt sự phát triển chung của văn hóa đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô” và “Hà Nội phải thực sự phát triển, gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước”.

Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề nghị các cấp, các ngành thành phố Hà Nội quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản này, vận dụng vào thực tiễn để xây dựng Thủ đô xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người và nhiều danh hiệu khác nữa.

“Đây là Thủ đô văn hóa, nên các đồng chí phải hết sức chú ý vấn đề văn hóa, đi đứng, ăn uống, đối xử với nhau phải bảo đảm văn hóa. Phải giữ bằng được những di sản văn hóa cha ông để lại, rất nhiều công trình và truyền thống quý báu. Đây là nguồn sống, là nguồn động lực phát triển. Bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống đó là trách nhiệm trước hết của thế hệ hôm nay”, đồng chí Tổng Bí thư từng nói trong một lần đi tiếp xúc cử tri.

Đánh giá về những công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho sự nghiệp phát triển văn hóa của nước nhà, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy hội nhập với thế giới.

Đặc biệt, những tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và truyền thống đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị. Tình yêu của ông dành cho văn hóa thấm đẫm trong từng chỉ đạo, bài viết, câu nói. Tinh thần “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, hay “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. văn hóa còn, dân tộc còn” thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của ông về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xem văn hóa là một trong những nền tảng quan trọng của đất nước. Tình yêu văn hóa không chỉ là tình cảm cá nhân của Tổng Bí thư mà còn là một chiến lược phát triển đất nước lâu dài và bền vững. Với những nỗ lực không ngừng, ông đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tầm vóc và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Ông được coi là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam, người đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của đất nước, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội”.

Phương Bùi