TP.HCM: 'Thúc' tiến độ dự án Vành đai 3 Chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh
TPHCM “chạy đua” giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3
Một đoạn thuộc Vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương đã đầu tư hoàn thành. Ảnh: Minh Quân

Giải phóng mặt bằng là thách thức lớn nhất

Trong 4 khó khăn thách thức của dự án Vành đai 3 TPHCM như nguồn vốn, công tác quản lý điều hành một dự án liên vùng, vật liệu xây dựng… thì khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là lớn nhất.

Đây cũng là khâu tốn kém nhất với khoảng 41.600 tỉ đồng trong tổng kinh phí giai đoạn 1 Vành đai 3 là 75.378 tỉ đồng (chiếm hơn 55%). Trong đó, TPHCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỉ đồng.

Dự án giải phóng mặt bằng hơn 640 ha đất (riêng TPHCM 408 ha) với gần 3.900 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 1.476 hộ phải bố trí tái định cư. TPHCM cũng là nơi dự báo sẽ gặp khó khăn nhất với hơn 740 hộ thuộc diện tái định cư liên quan đến địa bàn Thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Ông Phạm Văn Lũy - quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết địa phương có 452 hộ giải tỏa trắng trong tổng 717 hộ bị ảnh hưởng. Do đó, huyện Bình Chánh cần hơn 8.700 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Tương tư, ông Dương Hồng Thắng - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cũng kiến nghị thành phố phân bổ 2.000 tỉ đồng đúng tiến độ để địa phương đảm bảo thời gian thu hồi mặt bằng, bàn giao dự án.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng đề xuất được tạm ứng trước một phần kinh phí cho Thành phố Thủ Đức và các huyện liên quan để thực hiện trước một số đầu việc đơn giản như đo vẽ, kiểm đếm... Bởi theo ông Hoàng Tùng, nếu chờ đến khi bố trí vốn, các địa phương sẽ gặp khó khăn khi triển khai dự án.

Theo Sở Tài Nguyên – Môi trường TPHCM, qua tính toán nhu cầu nguồn vốn, sau tháng 6.2023, TPHCM cần hơn 27.600 tỉ đồng phục vụ dự án Vành đai 3. Trong đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm phần lớn với hơn 25.600 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương dự kiến bố trí cho TPHCM khoảng 18.000 tỉ đồng, thành phố có thể cân đối thêm 1.000 tỉ đồng từ vốn địa phương. Như vậy, nguồn ngân sách địa phương của TPHCM chưa đảm bảo được hơn 6.600 tỉ đồng bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3.

Đề xuất chính sách đặc thù giải phóng mặt bằng

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho biết TPHCM và các tỉnh sẽ tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Trong đó, phấn đấu bàn giao ranh giải phóng mặt bằng bắt đầu từ tháng 8.2022, bàn giao mặt bằng từ tháng 10.2022 và khởi công dự án trong tháng 6.2023.

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát dự án Vành đai 3 TPHCM hồi tháng 5.  Ảnh: M.L
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát dự án Vành đai 3 TPHCM hồi tháng 5. Ảnh: M.L

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Võ Trung Trực cho biết, để tăng tốc giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3, Sở đã kiến nghị UBND TPHCM xin ý kiến Thủ tướng chấp thuận cho địa phương thí điểm chính sách tái định cư đặc thù cho dự án.

Theo đó, Sở TNMT TPHCM đưa ra phương án khẩn trương vận động nhận nhà, đất tái định cư đối với những hộ đã được xác nhận pháp lý. Về giá căn hộ, nền đất tái định cư, sở đề xuất UBND TPHCM phê duyệt trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất tính bồi thường, hỗ trợ.

Nếu đất, công trình, vật kiến trúc của người dân cao hơn giá trị đất tái định cư, hội đồng bồi thường của dự án có thể tạm ứng trước tiền chênh lệch đối với trường hợp người dân nhận tái định cư bằng nền đất. Hộ dân nhận tái định cư phải cam kết sử dụng tiền tạm ứng để xây nhà mới, đồng thời cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án Vành đai 3 qua địa bàn TPHCM với mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều khó khăn.

“TPHCM là địa phương có số hộ ảnh hưởng lớn nhất, nhưng có thuận lợi là Thành phố đang có quỹ nhà trên địa bàn rất lớn nên sẽ rà soát lại để tái định cư theo nguyên tắc người dân được tái định cư ở gần nơi ở cũ, đảm bảo quyền lợi cao nhất. Trong đó, giá đền bù thoả đáng, tái định cư thuận lợi, tạo điều kiện sinh kế để người dân ổn định cuộc sống" - ông Mãi nói.

Dự án Vành đai 3 đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Giai đoạn 1 đầu tư dự án dài hơn 76 km, 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Theo kế hoạch, từ tháng 10 năm nay đến cuối năm 2023, dự án vành đai 3 TPHCM phải có tối thiểu 70% mặt bằng được bàn giao. Đến tháng 3.2024, toàn bộ mặt bằng được bàn giao.

Đầu tháng 7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương cần nỗ lực để khởi công dự án sớm hơn, vào tháng 6.2023 thay vì kế hoạch ban đầu là cuối năm 2023.

Dự án sẽ thi công trong 36 tháng và thông xe vào tháng 10.2025. Dự kiến, toàn bộ dự án hoàn thành vào tháng 6.2026.

Theo Minh Quân/laodong.vn

https://laodong.vn/giao-thong/tphcm-chay-dua-giai-phong-mat-bang-du-an-vanh-dai-3-1068943.ldo