TP.HCM giảm mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ 50% Khẩn trương triển khai thu phí không dừng tại Thành phố Hồ Chí Minh TP.HCM: Phấn đấu xây dựng thêm 35.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025

Ngày 8/7, tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (HĐND TP.HCM) khoá X, các đại biểu đã thông qua chủ trương đầu tư hai dự án cải thiện hệ thống thoát nước Tham Lương - Bến Cát và Tây Sài Gòn làm cơ sở trình Thủ tướng quyết định. Cả hai công trình đều sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với tổng vốn hơn 16.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện của hai dự án dự kiến vào năm 2023 - 2028.

Theo đó, dự án Tham Lương - Bến Cát, tổng vốn thực hiện 8.168 tỉ. Trong đó, vay ưu đãi 6.678 tỉ và vốn đối ứng hơn 1.300 tỉ từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách TP.HCM. Công trình có mục tiêu chống ngập và thoát nước cho gần 4.500 ha các khu vực quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân.

Nước thải từ đây được dẫn về nhà máy xử lý ở lưu vực Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 công suất đạt 250.000 m3). Đơn vị thi công cũng xây cống ngăn triều và tạo cảnh quan cho lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

TP.HCM đầu tư hai dự án thoát nước, chống ngập hơn 16.000 tỷ đồng
Đường Nguyên Oanh (quận 12) nằm sát ngay sông Vàm Thuật cứ mưa lại ngập.

Dự án tại lưu vực Tây Sài Gòn có tổng vốn thực hiện là hơn 8.121 tỉ. Trong đó, vay ưu đãi 6.961 tỉ và vốn đối ứng là hơn 1.160 tỉ từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách TP.HCM. Công trình tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường, ngập nước do mưa, triều và ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn.

Dự án sẽ xây dựng các giếng tách dòng và hệ thống cống bao dọc theo kênh Tham Lương - Bến Cát đến cuối lưu vực Tây Sài Gòn (15,5 km); xây dựng tuyến ống truyền tải từ lưu vực Tây Sài Gòn về nhà máy xử lý chất thải tập trung (dự kiến tại nhà máy Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - dài 3,5 km); mạng lưới cống thu gom nước thải cấp 2, 3 dài 90 km và 20 km cống nhánh.

Theo tính toán của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố cần hơn 100.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm về chống ngập, cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, vốn ngân sách thành phố hơn 31.400 tỉ đồng, còn lại các nguồn vốn khác từ Trung ương, xã hội hóa, ODA.