Ngành Giáo dục Ba Đình ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học ChatGPT và tương lai của y học ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục

Mở đầu toạ đàm, TS. Bùi Hồng Quân, Khoa Tâm Lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, với sự xuất hiện của ChatGPT, các giáo viên có thể sử dụng công nghệ này như một trợ giúp để giảng dạy và cải thiện năng lực, phẩm chất của học sinh. Với ChatGPT, học sinh có thể tương tác để tìm kiếm thông tin và thực hiện các nhiệm vụ học tập bất cứ lúc nào. Điều này giúp học sinh có được sự hỗ trợ trong việc học tập và giải đáp thắc mắc về nhiều chủ đề một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Một lợi ích khác của việc sử dụng AI trong giáo dục là tác động đến học sinh trong việc phát triển phẩm chất, năng lực của mình. Với việc tương tác với một trí tuệ nhân tạo thông qua ChatGPT, học sinh được khuyến khích phải đưa ra câu hỏi và tìm kiếm thông tin một cách chủ động. Điều này giúp học sinh trở nên linh hoạt, sáng tạo và tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình học tập.

TP.HCM: Giáo viên cần tận dụng tiềm năng của ChatGPT trong giảng dạy
Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Ngoài ra, AI và ChatGPT cũng giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và sức lực, giúp họ tập trung vào việc phát triển các chương trình học tập, đánh giá kết quả học tập và trao đổi với học sinh một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, TS. Bùi Hồng Quân cũng quan ngại việc sử dụng AI trong giáo dục cũng đặt ra nhiều thách thức. Cụ thể, rất khó để đảm bảo rằng ChatGPT chỉ cung cấp các thông tin chính xác và có giá trị cho các học sinh. Nếu học sinh được cung cấp những thông tin sai lệch, có thể gây ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển của họ.

"Việc học sinh phổ thông quá phụ thuộc vào công nghệ, có thể làm hạn chế việc phát triển các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, tư duy logic và các kỹ năng sống khác. Bên cạnh đó, nếu AI và ChatGPT trở thành phương tiện giao tiếp chính của học sinh phổ thông, thì họ có thể không hiểu được giá trị của việc tương tác trực tiếp với người khác trong các mối quan hệ cá nhân và xã hội", TS. Bùi Hồng Quân cho biết.

Ngoài ra, AI và ChatGPT có thể gây ra sự phụ thuộc vào máy tính, giảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Điều này có thể làm cho giáo viên giảm bớt sự quan tâm và theo dõi sự phát triển phẩm chất, năng lực và nhu cầu của từng học sinh. Sự phụ thuộc vào công nghệ cũng có thể làm tăng sự lo lắng của giáo viên về sự gián đoạn hoặc lỗi của hệ thống và ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy.

TS. Bùi Hồng Quân cho rằng, để đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách đúng đắn và mang lại hiệu quả, các giáo viên cần phải có đầy đủ kiến thức về công nghệ để định hướng cho học sinh. Ngoài ra, cần làm chủ các ứng dụng này để có thể khai thác một cách có kỹ năng, có đạo đức trên tinh thần không chỉ phục vụ cho hoạt động dạy học, giáo dục mà còn giáo dục học sinh tiếp cận, sử dụng một cách thông minh.

TP.HCM: Giáo viên cần tận dụng tiềm năng của ChatGPT trong giảng dạy
GS.TS Huỳnh Văn Sơn trao đổi tại tọa đàm.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng việc sử dụng AI và ChatGPT sẽ thay thế vai trò của giáo viên, dẫn đến việc học sinh bị cô độc và thiếu tương tác với thầy cô giáo, TS. Bùi Hồng Quân cho rằng, điều này chỉ xảy ra khi chúng ta trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ và không biết sử dụng nó một cách hợp lý và nhằm mục đích giúp đỡ. Sử dụng AI và ChatGPT chỉ đúng khi biết cân bằng giữa dạy và học, đảm bảo sự tương tác cần thiết giữa học sinh và giáo viên.

Trong khi đó, ThS. Sầm Vĩnh Lộc, Khoa Giáo dục thể chất Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, cũng như bất kỳ công nghệ mới nào, mấu chốt là việc sử dụng ChatGPT một cách tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa những tác động tiêu cực với con người nhất là trong giáo dục. Giáo viên và học sinh phải được đào tạo để sử dụng công nghệ hiệu quả, nhất là năng lực làm chủ công nghệ thông tin. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao trải nghiệm giáo dục cho học sinh trong khi không thay thế vai trò quan trọng của sự tương tác giữa con người và suy nghĩ phản biện trong quá trình học tập.

"Từ những tác động đa chiều của ChatGPT với học sinh có thể liên hệ đến việc hình thành các phẩm chất và năng lực kỳ vọng mà Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 đang triển khai. Nếu tận dụng đúng đắn các lợi ích mà ChatGPT mang lại thì bản thân các em sẽ được rèn luyện và tự rèn luyện nhanh các năng lực và phẩm chất cần thiết mà chương trình giáo dục đang hướng mục tiêu nhất là năng lực có liên quan đến công nghệ thông tin", ThS. Sầm Vĩnh Lộc cho biết.

Phát biểu tại toạ đàm, GS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định, trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều phiên bản ứng dụng khác ra đời với mức độ hiện đại và thông minh hơn. Các thầy, cô giáo có quyền trăn trở nhưng không phải vì vậy mà buông lơi vị trí của mình.

"Các thầy cô cần xác định rõ các ứng dụng công nghệ không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy trong giáo dục và đào tạo con người. Để đáp ứng sự phát triển của công nghệ này, người học cần phải chạy và người dạy cũng phải chạy, nếu không chúng ta tụt hậu”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

TP.HCM: Giáo viên cần tận dụng tiềm năng của ChatGPT trong giảng dạy
TS. Đào Lê Hòa An chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: HN

Đồng quan điểm, TS. Đào Lê Hòa An nhận định, giáo viên là một ngành nghề đặc thù, họ phải lấy nhân cách của bản thân người dạy để góp phần tác động, hình thành nên nhân cách người học. ChatGPT không bao giờ có thể truyền tải được cảm xúc, sự tận tâm, sự thấu hiểu đối với từng cá nhân người học.

"Cách xử lý của thầy cô đối với mỗi học sinh sẽ truyền tải những thông điệp, bài học về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội; truyền cảm hứng để học trò trở thành những thế hệ có phẩm chất, có năng lực, có tư duy tích cực… Vai trò đặc biệt này của người thầy là không thiết bị nào thay thế được", TS Đào Lê Hoà An nhận định.

ChatGPT được ra đời vào năm 2018 bởi OpenAI - một công ty nghiên cứu AI nổi tiếng của Mỹ. Với sự phát triển nhanh chóng và nhiều ứng dụng tiềm năng, ChatGPT đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trong cộng đồng nghiên cứu AI cũng như các lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, ChatGPT đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như tiếp thị, dịch vụ khách hàng, y tế, tài chính, thậm chí là giáo dục.

ChatGPT là một mô hình học sâu dựa trên kiến trúc Transformer, được huấn luyện trên lượng lớn dữ liệu văn bản từ Internet để học cách dự đoán từ tiếp theo trong một đoạn văn bản. Mô hình này cho phép xây dựng các ứng dụng văn bản tự động, như tư vấn, tạo nội dung, dịch thuật, và nhiều ứng dụng khác.

Cơ chế vận hành của ChatGPT bao gồm hai giai đoạn chính: huấn luyện và sử dụng. Trong giai đoạn huấn luyện, mô hình sẽ học từ lượng lớn dữ liệu văn bản để trích xuất các mẫu phổ biến và tính toán trọng số cho các thành phần của mô hình. Sau đó, trong giai đoạn sử dụng, mô hình sẽ áp dụng các trọng số đã học để sinh ra các đoạn văn bản mới dựa trên đầu vào được cung cấp.