TP.HCM: Dùng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân "Xanh hóa" khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM: Đìều chỉnh tăng vốn thêm gần 850 triệu USD cho 3 dự án tại Khu Công nghệ cao

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở TNMT Thành phố đã điều phối khối lượng rác sinh hoạt về nhà máy xử lý của Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận, xử lý đạt xấp xỉ 1.300 – 1.400 tấn/ngày. Tuy nhiên Công ty Tâm Sinh Nghĩa chưa khắc phục triệt để các vấn đề tồn đọng theo kết luận thanh tra của Bộ TNMT.

Cụ thể, Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiến hành xử lý lượng rác sinh hoạt tiếp nhận chủ yếu bằng công nghệ đốt (không thu hồi năng lượng), không thực hiện hoặc thực hiện rất hạn chế các công đoạn sản xuất compost và tái chế nhựa. Trong tháng 6/2022, Công ty chỉ vận hành trung bình 9 – 10 lò trên tổng số 14 lò đốt.

Công ty chưa tiến hành chuyển trả, xử lý triệt để lượng chất thải tồn lưu trên khu vực đường nội bộ của nhà máy; tập kết một lượng lớn chất thải tại khu vực nạp liệu của khu lò đốt mới trong khi khu vực này có chiều cao dốc không đảm bảo an toàn, không có mái che và không che phủ bạt.

Công ty chưa tiến hành lấy chất thải tồn từ bãi lưu chứa tạm ngoài trời chuyển trả về Bãi chôn lấp số 3, không đảm bảo xử lý toàn bộ lượng rác tồn trong khuôn viên nhà máy trong vòng 2 năm theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Bên cạnh đó, Công ty Tâm Sinh Nghĩa chưa khắc phục triệt để các vấn đề của hệ thống khí thải, dẫn đến tình trạng vẫn còn hiện tượng khói đen thải ra môi trường. Cơ sở hạ tầng trong nhà máy bị xuống cấp, hư hỏng, tiến độ triển khai công tác sửa chữa còn chậm. Các khu vực xung quanh khuôn viên nhà máy tại vị trí trong khu đất 2,7 ha dọc Kênh 16 và vị trí bên ngoài vách ngăn dọc rừng tràm vẫn còn một số mương nước dấu hiệu nhiễm bẩn (có dấu hiệu nước rỉ rác thấm ra từ bãi tạm). Công ty chưa hoàn thành việc lót đáy các mương nước (đạt được khoảng 1/2 chiều dài mương) và chưa thu gom triệt để nước nhiễm bẩn về hệ thống xử lý nước rỉ rác của nhà máy.

TP.HCM: Yêu cầu Công ty Tâm Sinh Nghĩa xử lý triệt để tồn đọng về xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Xử lý rác thải đang là bài toán nan giải tại các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM.

Để tạo điều kiện cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa tập trung xử lý, khắc phục các vấn đề tồn đọng trong quá trình cung ứng dịch vụ của Công ty theo yêu cầu của Bộ TNMT và UBND TP.HCM, Sở TNMT Thành phố sẽ điều phối khối lượng chất thải rắn sinh hoạt về nhà máy Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận, xử lý theo khối lượng trong hợp đồng đã ký giữa Sở TNMT với Công ty là 1.000 tấn/ngày.

Sở TNMT TP.HCM yêu cầu Công ty Tâm Sinh Nghĩa tổ chức tiếp nhận, xử lý khối lượng rác sinh hoạt theo quy trình công nghệ xử lý đã được cơ quan chức năng phê duyệt bao gồm đầy đủ các công đoạn phân loại, sản xuất compost, tái chế nhựa và đốt không thu hồi năng lượng, đồng thời thực hiện nghiêm nhất và đầy đủ tất cả các biện pháp bảo vệ môi trường được phê duyệt trong các hồ sơ bảo vệ môi trường.

Nhanh chóng khắc phục các khó khăn, tổ chức vận hành thường xuyên đầy đủ các lò đốt để tăng cường xử lý lượng chất thải tồn lưu trong khuôn viên nhà máy của Công ty, đồng thời tiếp tục thực hiện chuyển trả lượng chất thải tồn lưu tại bãi lưu chứa tạm về bãi chôn lấp số 3 theo quy định.

Đồng thời Công ty cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM và Tổng cục Môi trường – Bộ TNMT); phối hợp với Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải rắn Thành phố (MBS) tạo lối ra vào tại khu đất 2,7ha giáp ranh với khu đất của Công ty và đường số 1 để MBS thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát hiện trạng bảo vệ môi trường tại khu vực này.

Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay trên địa bàn TP.HCM còn 2 khu xử lý gồm Khu xử lý chất tải rắn Đa Phước và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi (trong đó Công ty Tâm Sinh Nghĩa). Chất thải rắn sinh hoạt gia tăng mỗi ngày, từ 8.900 tấn/ngày vào năm 2017, 9.300 tấn/ngày vào năm 2019 và lên 9.400 tấn/ngày vào năm 2021.

Tuy nhiên hiện nay công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng chiếm tỷ lệ 31% (tương đương 2.883 tấn/ngày), chủ yếu (69%) vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện TP.HCM đang tiếp tục triển khai công tác đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác thải sinh hoạt mới với phương thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT).