Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra dự án sân bay Long Thành Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra dự án sân bay Long Thành
Đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận Đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận
Đẩy nhanh tiến độ sân bay quốc tế Long Thành Đẩy nhanh tiến độ sân bay quốc tế Long Thành

Theo ghi nhận thực tế bụi đất bị gió phát tán lan rộng, nhuốm đỏ cây cỏ, nhà cửa, đảo lộn cuộc sống của người dân xung quanh dự án trong bán kính 10km.

Dân khổ vì bụi

Những ngày đầu tháng 4/2023 có mặt trên công trường dự án, phóng viên Báo Lao động Thủ đô chứng kiến hàng nghìn phương tiện đào, xúc, lu, xe ben chở đất ra vào nhộn nhịp để san nền, đắp đất tạo mặt bằng sân bay. Chỉ một cơn gió nhẹ thổi tới là bụi đỏ từ mặt đất cuộn lên thành những cột cao, lan đi khắp nơi, bám chặt vào phương tiện thi công, các khu vực lân cận, đặc biệt là nhà người dân xung quanh hoặc các công trình công cộng như trường học, trạm xá. Công nhân, người lao động trên công trường phải thường xuyên bận áo dài tay, che phủ để tránh nắng nóng cũng như khói bụi.

Ông Trần Văn Lộc, ngụ ấp 1 xã Bình Sơn, huyện Long Thành (cách khu vực xây dựng sân bay Long Thành khoảng 1km) cho hay, căn nhà của ông thường xuyên bị lớp bụi đỏ phủ kín, dày đặc. Gia đình ông phải đóng cửa kín cũng như tưới nước thường xuyên để chống bụi.

Dự án sân bay Long Thành: Nan giải xử lý bụi đất lan rộng
Người dân sống xung quanh dự án phải thường xuyên phun tưới nước để hạn chế bụi đất từ sân bay Long Thành bay vào. Ảnh: HB

Chỉ tay vào bức tường bị nhuốm đỏ bởi bụi đất, ông Lộc cho hay, mỗi ngày gia đình phải tưới vỉa hè, mặt đường để giảm bụi nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế do hiện đang cao điểm mùa khô, tưới nước xong vài ba chục phút lại khô, bụi cứ tiếp tục bám chặt.

Tương tự, bà Phạm Thị Hà, ngụ ấp 9, xã Bình Sơn cho biết, hễ có một cơn gió to là bụi đỏ bám đầy cửa hàng, vừa quét xong thì chừng 15 – 20 phút sau đợt bụi khác lại bay bám vào, rất khó chịu. Đáng lo ngại là bụi đỏ phủ đầy Trường Mầm non Bình Sơn, vừa làm bẩn áo quần, bàn ghế, nước uống vừa dễ gây các bệnh liên quan đến hô hấp cho học sinh do hít phải bụi đất.

Dự án sân bay Long Thành: Nan giải xử lý bụi đất lan rộng
Sinh hoạt, học tập, thậm chí sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng do bụi đất phát tán từ sân bay Long Thành. Ảnh: HB

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Long Thành cho hay, quá trình thi công sân bay đã phát tán lượng bụi khổng lồ, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt người dân tại nhiều xã trong địa bàn huyện Long Thành. Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã làm việc với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành), phía chủ đầu tư đã cam kết sẽ tưới nước trong quá trình thi công. Tuy nhiên đến nay, tình trạng bụi phát tán vẫn chưa được khắc phục.

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án sân bay Long Thành có đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu bụi như xây dựng rào chắn khu vực thi công, che phủ, làm ẩm khu vực lưu chứa vật liệu, bãi thải tạm, phương tiện vận chuyển chạy vào ban đêm và kết thúc trước 22 giờ, che phủ bạt kín thùng xe. Riêng năm 2022, Đồng Nai thực hiện quan trắc môi trường không khí định kỳ tại sân bay Long Thành, qua đó phát hiện ô nhiễm bụi tại đây vượt quy chuẩn hơn 18 lần.

Dự án sân bay Long Thành: Nan giải xử lý bụi đất lan rộng
Hàng nghìn phương tiện thi công trên công trường dự án sân bay Long Thành trong thời điểm mùa khô, nắng nóng, dễ phát tán bụi đất nếu không có phương án xử lý triệt để. Ảnh: HB

Vào tháng 3/2023, Đoàn kiểm tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại sân bay Long Thành, qua đó ghi nhận bán kính bị ảnh hưởng bởi bụi đỏ từ công trường khoảng 10km. Có 7 xã, thị trấn bị ảnh hưởng từ bụi đỏ gồm Bình Sơn, Cẩm Đường, Lộc An, Bàu Cạn, Long Phước, Tân Hiệp, An Phước và thị trấn Long Thành. Nguyên nhân bụi là do chủ đầu tư, đơn vị thi công tưới nước không thường xuyên, không đầy đủ.

Cùng với đó là việc triển khai san lấp mặt bằng trên diện tích hơn 2.500 ha, toàn bộ lớp đất hữu cơ bề mặt bị bóc để lộ và không được che phủ bởi lớp thực vật. Trong khi lượng phương tiện di chuyển lớn, hoạt động liên tục, tốc độ di chuyển nhanh. Ngoài ra, yếu tố thời tiết bất lợi, rơi vào thời điểm mùa khô thường xuyên hình thành các cơn lốc xoáy, cuốn nhiều bụi lên cao, phát tán ra xung quanh.

Tăng cường tưới nước trên công trường

Trong đợt kiểm tra nói trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu chủ đầu tư tưới nước thường xuyên hơn, lắp biển báo hạn chế tốc độ (5km/h) trên các tuyến đường nội bộ cũng như kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng xe chở đất không phủ bạt, che chắn. Phía chủ đầu tư cũng đã yêu cầu các đơn vị tăng cường tưới nước, đồng thời sẽ chỉ đạo tạm dừng việc thi công ban đêm, giảm tần suất xe chạy ban ngày trên công trường.

Dự án sân bay Long Thành: Nan giải xử lý bụi đất lan rộng
Việc phun tưới nước không đầy đủ, thường xuyên là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc phát tán bụi đất từ công trường sân bay Long Thành lan rộng tới bán kính 10km. Ảnh: HB

Trong khi đó, theo đại diện nhà thầu thực hiện gói thầu san nền sân bay Long Thành, hiện trên công trường dự án có hơn 1.800 máy móc, phương tiện thực hiện san nền, trong đó có hơn 1.000 xe vận chuyển. Các nhà thầu huy động 60 xe tưới nước và sẽ sắp xếp lại đường vận chuyển, tăng thời gian tưới và lượng nước tưới trên đường vận chuyển.

Mới đây tại buổi làm việc với chủ đầu tư, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị ACV nhắc nhở các đơn vị tăng cường tưới nước mùa khô, các nhà thầu cần phối hợp địa phương thăm hỏi, động viên người dân xung quanh. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị đơn vị thi công phải có giải pháp giảm tác động môi trường, giảm thiểu bụi bẩn, tránh tình trạng này kéo dài làm đảo lộn cuộc sống của người dân quanh khu vực.

Đáng chú ý, vào ngày 1/4 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có buổi kiểm tra và họp kiểm điểm tiến độ triển khai thi công dự sân bay quốc tế Long Thành. Tại đây, đại diện nhà thầu cho biết, để hạn chế bụi phát sinh, các nhà thầu đã tăng cường 60 xe tưới nước liên tục vào các thời điểm trưa và chiều để giảm thiểu bụi. Đồng thời bố trí lại phương án thi công, tập trung nhiều mũi san nền thuộc phạm vi trung tâm nhà ga nằm cách xa khu dân cư để hạn chế bụi bay.

Lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu cần có biện pháp tăng cường tưới nước, rà soát biện pháp thi công, hồ sơ đánh giá tác động môi trường để chấn chỉnh thi công để giảm thiểu tối đa bụi phát sinh ra khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bộ GTVT cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng giám sát tiến độ, chất lượng các hạng mục thi công, vệ sinh môi trường, an toàn thi công và có báo cáo cập nhật hàng tuần, hàng tháng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành, đối với gói thầu san lấp, hiện nay các nhà thầu vẫn thi công bám sát tiến độ. Khối lượng san lấp đã hoàn thành khoảng 68 triệu m3 đất, đạt hơn 60% tổng khối lượng cần san lấp trong giai đoạn 1.

Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được khởi công vào đầu năm 2020, dự kiến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi hoàn thành toàn bộ dự án, sân bay Long Thành sẽ có công suất khai thác 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự án nằm trên địa bàn 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ. Ngoài ra, để phục vụ thi công cũng như kết nối giao thông khi hoàn thành xây dựng, trong dự án sân bay Long Thành có thêm 2 hạng mục đường giao thông gồm tuyến đường số 1 nối sân bay Long Thành với Quốc lộ 51 có quy mô 6 làn xe và tuyến đường số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có quy mô 4 làn xe.

Về tiến độ dự án, theo Bộ GTVT, hiện nay đã thu hồi được 4.773/4.946ha (đạt 96,5%); đã hoàn thành 21/21 gói thầy xây dựng hạ tầng các khu tái định cư và tái lập hạ tầng; đã giải ngân được 16.697 tỷ đồng (đạt 73,1% kế hoạch). Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.