Đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận
Cấp thiết mở rộng
Theo đó, Để sớm hoàn chỉnh cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông và giảm ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM chủ trì họp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Long An, Tiền Giang để thống nhất các nội dung về quy mô và hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án, kế hoạch tiến độ thực hiện và các nội dung cần thiết khác.
Để đẩy nhanh tiến độ, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoặc UBND tỉnh Long An là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án. Nếu được chấp thuận, dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Năm 2024 sẽ hoàn thành công tác tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, quyết định đầu tư để đến năm 2025 tổ chức khởi công công trình, hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2027.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020; Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến chính cao tốc TP.HCM - Trung Lương được quy hoạch 8 làn xe là không đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (6 làn xe). Vì thế đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng cần thực hiện các thủ tục cập nhật, điều chỉnh theo quy định để đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại và tương lai.
Trong khi đó, cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào tháng 2/2010, hiện lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến rất lớn, tuy nhiên quy mô không đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào các dịp Lễ, Tết, cuối tuần cũng như không đảm bảo cho nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, hành khách và kết nối giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
“Để khắc phục những bất cập nêu trên và sớm hoàn thành mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc, Vành đai đang triển khai, việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hết sức cần thiết, cấp bách”, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay.
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài khoảng 61,9km, đã đầu tư giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ tháng 2/2010 gồm tuyến chính dài khoảng 39,75km (đi qua TP.HCM khoảng 1,15km, Long An khoảng 28,5km, Tiền Giang khoảng 10,1km) đã đầu tư 4 làn xe cao tốc và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm đã đầu tư 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tuyến nối Thân Cửu Nghĩa – Quốc lộ 1 đã đầu tư 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tuyến chính đã giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng xe khẩn cấp; tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo – Chợ Đệm đã giải phóng mặt băng theo mặt cắt ngang 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp; tuyến nối Thân Cửu Nghĩa - Quốc lộ 1 đã giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. |
Về quy mô đầu tư, theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM: Tuyến chính sẽ mở rộng đáp ứng 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm sẽ mở rộng đáp ứng 6 làn xe và 2 làn hỗ hợp. Phương án đầu tư mở rộng dự tính sẽ theo đầu tư công, sử dụng ngân sách Trung ương do dự án đi qua 3 địa phương là TP.HCM, Long An, Tiền Giang có tính chất liên vùng.
Làm rõ hình thức và nguồn vốn đầu tư
Đây là dự án cao tốc hết sức quan trọng cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, trực tiếp kết nối sâu giữa các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây. Dự án đi qua 3 địa bàn nên việc lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư hết sức quan trọng.
Trong cuộc họp với các doanh nghiệp, địa phương vào tháng 8/2022 Bộ GTVT đã thống nhất về sự cần thiết sớm nghiên cứu đầu tư rnở rộng, hoàn thiện cao tốc dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thống nhất nghiên cứu phương án triển khai thực hiện tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận tách thành 2 dự án độc lập trên cơ sở 2 đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1 để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư giai đoạn 2, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cụ thể là dự án đầu tư xây dựng mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang quá tải, cần thiết mở rộng theo quy hoạch được duyệt. |
Về quy mô đầu tư, Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu phương án đầu tư hoàn chỉnh các đoạn tuyến cao tốc bảo đảm quy mô theo quy hoạch đã được phê duyệt, tận dụng hiện trạng về kết cấu công trình và mặt bằng đã đền bù giải phóng theo quy hoạch trong giai đoạn 1, tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đối với phương án đầu tư, Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án đầu tư gồm: Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư theo hình thức đầu tư công; phương án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT; phương án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BTL, BLT...
Đến tháng 9/2022 Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND TP.HCM, Long An, Tiền Giang phối hợp, thống nhất và báo cáo Thành ủy, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố, HĐND tỉnh chấp thuận, thông qua phương án đề xuất giao UBND TP.HCM hoặc UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai thực hiện dự án.
Trong khi đó, theo đại diện Sở GTVT TP.HCM: Nếu thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM – Trung Lương là mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có thì không thể thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; còn nếu là dự án mới thì có thể thực hiện được hình thức nói trên.
Bên cạnh đó, nếu dự án được thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BLT, BTL, Nhà nước sẽ thanh toán cho nhà đầu tư các chi phí đầu tư xây dựng của dự án từ nguồn vốn đầu tư công được bổ trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, căn cứ thời hạn hợp đồng dự án, phần vốn đầu tư công được tiếp tục bố trí trong các kỳ trung hạn tiếp theo. Cơ quan Nhà nước cũng sẽ thanh toán các khoản chi phí vận hành của doanh nghiệp dự án từ nguồn vốn ngân sách chi thường xuyên hằng năm. Do đó, nếu triển khai theo phưong thức PPP, loại hợp đồng BLT, BTL thì cần phải cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (ngân Sách trung ương hoặc ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương) để thanh toán cho nhà đầu tư.
Đề nghị mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây Vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề nghị Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đề nghị này, Bộ GTVT chủ trì báo cáo Thủ tướng chấp thuận giao VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo quy định của Luật đầu tư. Khái toán tổng mức đầu tư dự án gần 15.000 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng). Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ quý 4/2022 đến quý 1/2026. Nguồn vốn thực hiện dự án sẽ do VEC tự huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác. Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng các tuyến cao tốc phía Nam theo quy hoạch được duyệt, hiện nay UBND TP.HCM đang chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai triển khai dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. |
Bình luận